menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Tiêu chí của TheLEADER dùng để lựa chọn 10 sự kiện nổi bật là mức độ ảnh hưởng, sự quan tâm của cộng đồng, sự báo hiệu một xu hướng mới và bao hàm trong đó yếu tố quản trị - từ quản trị doanh nghiệp đến quản trị nền kinh tế. Chúng tôi sắp xếp từ “tối” đến “sáng” để sau khi đọc xong, quý bạn đọc lưu lại được hình ảnh tích cực trong những ngày đầu năm mới 2020.

1. Đại dịch tả lợn châu Phi
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Theo báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ NN-PTNT, năm 2019, ngành chăn nuôi nước ta phải đối diện với đại dịch lịch sử, khiến cả thế giới khiếp sợ. Đó là đại dịch tả lợn châu Phi.

Thống kê từ Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến trung tuần tháng 12/2019, dịch đã xảy ra tại hơn 8.500 xã thuộc tất cả 63 tỉnh, thành với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tổng trọng lượng gần 343.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Để đối phó với đại dịch này, ngân sách đã phải chi ra hơn 5.000 tỷ đồng.

Cùng với số lợn khổng lồ bị tiêu hủy nói trên là hàng ngàn hộ chăn nuôi rơi vào tình cảnh phá sản, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng và đẩy giá thịt lợn lên cao chưa từng có. Ghi nhận tại thời điểm tháng cuối năm, giá thịt lợn tại nhiều địa phương tăng lên mức 90.000 - 95.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi thịt lợn ngoài chợ tăng lên mốc 140.000 - 250.000 đồng/kg, có loại còn lên tới trên 300.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng cao cũng góp phần chính vào việc đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12/2019 tăng (so với tháng trước) cao nhất trong 9 năm trở lại đây (so với cùng kỳ).

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 12, giá thực phẩm đã tăng 4,41%, làm CPI chung tăng 1%. Trong đó, giá thịt lợn tăng 20% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,83%, ngoài ra còn kéo theo giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng theo.

Ở góc độ quản trị, việc phát hiện, xác định và đánh giá tính chất, kiểm soát và ngăn chặn dịch là chức năng của cơ quan quản lý chuyên ngành và là trách nhiệm của những người liên quan, bao gồm cả các cơ sở chăn nuôi. Để dịch phát triển thành đại dịch chắc chắn có lỗi chủ quan, có thể do quy trình xử lý dịch chưa tốt hoặc do sự thiếu trách nhiệm hoặc do cả hai.

2. Ô nhiễm tại thủ đô Hà Nội
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Ngày 28/8/2019, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại CTCP Bóng đèn phíc nước Rạng Đông, thiêu trụi toàn bộ 6.000 m2 nhà xưởng và kho thành phẩm của bộ phận làm đèn dây tóc, huỳnh quang và CFL. Điều đáng nói là vụ cháy có thể đã (hoặc ít nhất gây tâm lý lo lắng cho người dân sinh sống và làm việc tại khu vực lân cận về việc) gây ô nhiễm thủy ngân (một chất cực độc) trong không khí và nguồn nước.

Đáng quan tâm hơn là việc các cơ quan và cá nhân liên quan đã xử lý hoặc phát ngôn rất khác nhau, dẫn đến sự nhiễu loạn thông tin, làm suy giảm lòng tin trong một bộ phận người dân.

Vấn đề đặt ra quanh sự kiện này là việc quản trị quy hoạch, môi trường và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc di rời các cơ sở sản xuất gây ô nghiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô nơi có mật độ cư dân cao, cũng như việc xử lý và khắc phục sự cố môi trường khi nó xảy ra.

Không lâu sau vụ cháy kể trên, ngày 10/10/2019, người dân 8 quận, huyện ở Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp có mùi lạ khó chịu. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn. Vài ngày sau đó, nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do khu vực đầu nguồn bị đổ trộm dầu thải.

Bỏ sang một bên nghi vấn về việc đổ trộm dầu thải có hay không nhằm cố ý gây ô nhiễm nước nguồn cho nhà máy nước, rõ ràng quy trình hoặc việc thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng nước đầu vào của Viwasupco có vấn đề.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra từ sự kiện này là việc xử lý sự cố khi nó xảy, tương tự như trường hợp vụ cháy nhà máy Rạng Đông nêu trên. Sự chậm trễ và thiếu thỏa đáng (với những người trực tiếp bị ảnh hưởng) là những điều rất dễ nhận ra khi nhìn vào hành động của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một vấn đề lớn hơn được đặt ra là quản trị nguồn cung nước sạch cho đô thị như thế nào để đảm bảo đủ lượng, đạt chất và triệt tiêu hoàn toàn rủi ro nhiễm độc.

Cùng với 2 sự cố môi trường kể trên, thủ đô Hà Nội trong những tháng cuối năm 2019 được ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có, xuất hiện trong nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Nguyên nhân được cho là các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người gây ra khói bụi song thời tiết đã ngăn cản chúng khuếch tán (ít gió) hoặc ngưng đọng (ít mưa).

3. “Vỡ trận” Condotel
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Chúng tôi còn gọi đó là sự kiện CONDOBAY. Cụ thể là vào tuần thứ ba của tháng 11/2019, CTCP Xây dựng và phát triển Thành Đô đã phát đi thông báo chính thức về việc chấm dứt chi trả thu nhập cam kết với các nhà đầu tư đã mua sản phẩm condotel - căn hộ khách sạn tại dự án Cocobay, một đại tổ hợp bất động sản - du lịch giải trí có số lượng căn condotel nhiều nhất nhì cả nước.

Sự việc này không đơn thuần bó hẹp trong tranh chấp giữa Thành Đô và khách hàng mà nó còn có thể ảnh hưởng đến cả thị trường condotel, thị trường bất động sản và không loại trừ khả năng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, bởi condotel không chỉ được phát triển bởi Thành Đô, nó còn được rất nhiều nhà phát triển bất động sản lớn khác xây dựng và cung ứng ra thị trường với tổng lượng căn lên đến nhiều vạn.

Ảnh hưởng đầu tiên là sự đóng băng phân khúc thị trường này. Từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền của chủ đầu tư và ảnh hưởng tiếp đến chuỗi các nhà thầu do bị chậm thanh toán…

Rất nhiều hội thảo đã được tổ chức sau sự kiện CONDOBAY nhằm phân tích xem “vết nứt” nào đã là nguyên nhân tiềm tàng của sự “vỡ trận” này. Các chuyên gia cho rằng, đó là tổng hợp của cam kết lợi nhuận cao bất hợp lý (lên đến 12%/năm) từ chủ đầu tư, lòng tham của nhà đầu tư thứ cấp và việc thiếu khung pháp lý cho mô hình này.

Từ góc nhìn quản trị, có thể thấy, Thành Đô đã không kiểm soát được rủi ro đứt gãy dòng tiền, khi mà nguồn tiền đổ vào condotel không kịp tạo ra doanh thu từ dịch vụ, cùng lúc nguồn tiền “tiếp sức” cũng cạn kiệt. Bản chất kinh tế là mức chi trả cam kết 12%/năm vượt quá tỷ suất sinh lời khá của thị trường. Phải là một nhà đầu tư, kinh doanh xuất sắc mới có thể đạt được. Ngay cả khi đã cộng mức chi trả này vào giá bán condotel thì áp lực mà nó đặt lên dòng tiền của chủ đầu tư cũng rất lớn, nứt vỡ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nó cũng cho thấy các nhà đầu tư thứ cấp đã vì ham lợi nhuận cao mà coi nhẹ rủi ro. Hợp đồng mua condotel cam kết trả lợi tức chứa đựng yếu tố tín dụng nhưng người vay không được đánh giá tín nhiệm theo cách chuyên nghiệp.

Một lần nữa, cần phải nhắc lại rằng, Condotel và cam kết lợi nhuận cao không chỉ có ở Cocobay mà ở rất nhiều dự án khác, của nhiều chủ đầu tư khác.

4. Vụ “hàng ngoại nghi giả hàng Việt” Asanzo
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Từ một bài báo của Tuổi Trẻ TP. HCM đăng hồi tháng 6/2019 đặt nghi vấn CTCP điện tử Asanzo nhập hàng điện tử từ Trung Quốc rồi dán nhãn “Made in Việt Nam”, vụ việc đã gây sự chú ý với cộng đồng, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải ra chỉ đạo các cơ quan hữu quan vào cuộc làm rõ thực hư.

Bộ tài chính, ngày 28/10, công bố bản báo cáo xác định Asanzo có 4 vi phạm gồm vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hành vi vi phạm về trốn thuế, sau đó chuyển hồ sơ cho Bộ công an điều tra.

Tuy nhiên, đến hết năm 2019, vụ Asanzo vẫn chưa có kết luận cuối cùng giữa những luồng quan điểm trái chiều từ ngay cả các cơ quan quản lý và chuyên môn. Trong khi Bộ công an cho biết vẫn đang xác minh các “dấu hiệu vi phạm” của Asanzo thì Bộ công thương đồng quan điểm với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt Asanzo.

Đại diện Asanzo cũng lên tiếng bác bỏ quan điểm của Bộ tài chính. Tuy vậy, công ty này cho biết đã tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra của các cơ quan hữu quan.

Vụ Asanzo đã cho thấy ảnh hưởng của truyền thông, bao gồm báo chí và mạng xã hội, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Nó cũng cho thấy sự bất cập của hệ thống pháp luật trước chuyển động đa dạng của đời sống kinh tế, đồng thời là sự thiếu thống nhất về quan điểm xử lý giữa các cơ quan chức năng.

5. Xét xử vụ án tham nhũng tại MobiFone - AVG
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019
Vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là vụ án xét xử tội phạm tham nhũng, kinh tế lớn nhất không chỉ của năm 2019.

Đánh giá về vụ án này, xin được trích dẫn lời của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng với 6 điểm nổi bật như sau: Thứ nhất, lần đầu tiên làm rõ vụ án tham nhũng với quy mô lớn. Thứ hai, trong 14 bị cáo có 2 người từng là cựu bộ trưởng, uỷ viên trung ương. Thứ ba, vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 8.000 tỷ đồng, các số tiền đưa hối lộ và hối lộ đã được thu hồi. Thứ năm, việc thực hiện tố tụng đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa. Thứ sáu, vụ án thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm và làm triệt để.

Ông Vượng nói: "Điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp nên đây là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, kiểm sát viên”. Điều này cũng nói lên thực tế rằng, không dễ để ngành tư pháp có thể đưa ra ánh sáng thêm nhiều vụ án tượng tự. Và do đó càng khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ theo hướng “phòng hơn tránh”, có khả năng bịt lấp tối đa các khe hở pháp luật và quản lý, vốn là môi trường sống cho các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ.

6. Quốc hội thông qua 11 luật, bộ luật và 17 nghị quyết
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Trong số 11 luật, bộ luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 có các luật, bộ luật liên quan đến lĩnh vực hành chính, kinh tế đáng chú ý như: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Cùng với các văn bản luật, bộ luật nêu trên, trong cùng kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua 17 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế như: Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Các luật, bộ luật và nghị quyết nói trên là những văn bản pháp luật cấp cao tạo cơ sở và tiền đề cho việc triển khai các văn bản hướng dẫn, đi vào cuộc sống với những nội dung quan trọng đã được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu mới của đời sống kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

7. Tập đoàn Vingroup rút khỏi lĩnh vực bán lẻ
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Giữa tháng 12/2019, Tập đoàn Vingoup bất ngờ tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, kèm theo đó là một loạt động thái tái cấu trúc bao gồm hoán đổi cổ phiếu VinCommerce và VinEco cho Masan Consummer Holdings; sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể VinPro.

CEO Nguyễn Việt Quang của Vingroup cho biết, những động thái này là bước đầu của chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi mà tập đoàn này đang thực hiện.

Động thái của Vingroup gây chú ý bởi trong những năm qua Tập đoàn này luôn tuyên bố sẽ tiến đến mục tiêu thống trị thị trường bán lẻ thông qua việc mở hàng loạt trung tâm thương mại và siêu thị mini trên khắp cả nước. Thực tế, hình ảnh logo Vinmart và Vinmart+ cũng đã bắt đầu được lưu vào trí nhớ của phần lớn người tiêu dùng và tác động đến hành vi của họ, một phần do độ phủ khắp của các thương hiệu này, phần khác do ảnh hưởng từ thương hiệu của Tập đoàn mẹ.

Bước ngoặt tái cơ cấu của Vingroup phản ảnh một xu hướng mới của ngành bán lẻ đó là online hóa với sự hậu thuẫn của công nghệ 4.0, thể hiện bằng làn sóng ra đời và thâm nhập thị trường nội địa của hàng loạt ứng dụng mua hàng trực tuyến, như Tiki, Shope, Sendo…

Để tăng sức cạnh tranh, Vingroup đã phải "sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID để giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng và xây dựng một nền tảng bán lẻ mới, linh hoạt hơn…”, theo lời Tổng giám đốc tập đoàn này.

Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, Vingroup cho thấy khả năng chuyển đổi linh hoạt và quyết đoán nhằm bắt kịp xu thế cũng như phục vụ những mục tiêu lớn hơn. Điều này chỉ có thể thực hiện được bởi tập đoàn này đã thiết lập được một nền tảng quản trị tốt, căn bản, thể hiện một phần qua bộ giá trị “5 Hóa”: Hạt nhân hóa, Chuẩn hóa, Đơn giản hóa, Tự động hóa và Chia sẻ hóa.

8. Bùng nổ dự án điện mặt trời
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Trong lịch sử 65 năm, ngành điện đã đóng điện hòa lưới và vận hành 147 nhà máy điện có công suất lắp đặt từ 30 MW trở lên. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 tháng 4, 5, 6 năm 2019, ngành điện đã hòa lưới lần đầu cho 88 nhà máy điện.

Ngày 23/4 chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất nhỏ hơn 150 MW vận hành. Nhưng từ 23/4 đến ngày 17/5 đã đóng điện 27 nhà máy với công suất tăng vọt lên trên 1.400 MW. Hơn một tháng sau đó, có thêm trên 50 nhà máy được đóng điện, một kỷ lục của ngành điện Việt Nam từ trước đến nay.

Sự bùng nổ của các nhà máy điện mặt trời xuất phát từ nhu cầu cao về năng lượng của nền kinh tế cộng với sự hấp hẫn của cơ chế giá (2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm nếu vận hành trước tháng 7/2019).

Tuy nhiên, sự bùng nổ này làm nảy sinh một vấn đề, đó là việc hệ thống truyền tải không theo kịp. Do muốn tận dụng lợi thế chiếu sáng của mặt trời ở một số tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, An Giang nên hầu hết dự án mới được xây dựng tại khu vực này, khiến cho mật độ nguồn phát quá dày, vượt quá công suất của hệ thống truyền tải địa phương.

“Dự kiến tình trạng đầy, quá tải sẽ duy trì 3 - 5 năm tiếp theo cho đến khi các công trình lưới điện giải tỏa công suất được đưa vào”, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cảnh báo.

Có một sự thiếu đồng bộ. Sử dụng năng lượng tái tạo là một xu hướng, nó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, nhưng nếu “mạnh ai nấy chạy” thì “tắc đường” là hậu quả dễ xảy ra. Đó là vấn đề quản trị cơ hội – rủi ro với các nhà đầu tư và là vấn đề quản trị quy hoạch đối với cơ quan nhà nước.

9. Làn sóng gia nhập ngành hàng không
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Đầu năm 2019 có một sự kiện đáng chú ý của ngành hàng không Việt Nam đó là Bamboo Airways, một hãng hàng không tư nhân mới, có chuyến bay thương mại đầu tiên, nâng tổng số hãng hàng không nội địa hoạt động lên con số 4 (cùng với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và VietJet Air).

Cuối năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air cho CTCP Hàng không Vinpearl Air. Hãng này dự kiến, năm 2020 khai thác 6 tàu bay loại tầm ngắn/trung thân hẹp, trung bình hàng năm đưa vào khai thác thêm 6 tàu bay/năm và đến năm 2024 đội tàu bay đạt 30 chiếc, năm 2025 khai thác 30 chiếc.

Cùng với Vinpearl Air, một loạt cái tên khác cũng đang xếp hàng chờ cấp phép là Vietstar Airlines, Viet AirAsia, SkyViet và Vietravel Airlines.

Bên cạnh việc đầu tư vào các hoạt động trên trời, trong năm, các tập đoàn tư nhân cũng hăng hái xin được đầu tư vào các hoạt động mặt đất. tiêu biểu như Vietjet Air, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, và Tập đoàn FLC. Trong đó, Vietjet Air muốn đầu tư dự án nâng cấp cấp sân bay Tuy Hòa - Phú Yên; FLC đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc tư nhân đầu tư sân bay cũng đã có tiền lệ với trường hợp của Sungroup đầu tư xây sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Thị trường hàng không được cho là một “chiếc bánh lớn” hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

10. Tăng trưởng kinh tế duy trì mức trên 7%
Nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - quản trị nổi bật năm 2019

Chốt lại năm 2019, Tổng cục thống kê cho biết, tăng trường GDP của Việt Nam tiếp tục duy trì mức trên 7% năm thứ hai liên tiếp. Cùng với đó là các chỉ số tích cực khác như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu; CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.

Đáng chú ý, ngoài tốc độ tăng trưởng ở mức cao, thì chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện. Năm 2019, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016 - 2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định) - cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng của năm 2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu tiếp tục đưa các chỉ số diễn tiến tích cực hơn trong năm 2020. Trong số 9 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết, Thủ tướng đề nghị chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng; tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy nền kinh tế số…

Trong khi đó, các tổ chức phát triển, trong đó có Ngân hàng Thế giới khuyến nghị động lực tăng trưởng cho Việt Nam tiếp tục là khu vực tư nhân. Theo đó, Nhà nước và Chính phủ cần tạo các cơ chế khuyến khích và tập trung nguồn lực cho khu vực kinh tế năng động này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại