menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Trang

Những diễn biến đáng chú ý của thị trường bất động sản hậu Covid-19

Mặc dù quá trình đô thị hóa vẫn diễn ra nhưng khâu thiết kế và đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố thông minh sẽ khác đi. Đầu tư công, đầu tư y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh bất động sản phát triển.

Thời hậu Covid-19, diễn biến của thị trường bất động sản được giới chuyên gia đánh giá là rất khả quan với nhiều cơ hội nhưng song song với đó vẫn là những thách thức mà thị trường còn tồn đọng, thậm chí chưa giải quyết được triệt để.

Hỗ trợ nhà ở giá rẻ nhưng đừng bỏ qua nhà ở cao cấp

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường bất động sản từ đầu năm 2019 đến nay đã chững và bắt đầu giảm. Đầu năm 2020 do tác động lớn của đại dịch, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ bằng một loạt các chính sách như: Nghị quyết 41 và Nghị quyết 84. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách Xã hội và 4 ngân hàng bố trí bổ sung 3.000 tỷ đồng để cho các dự án xã hội dở dang vay, rà soát các dự án đã triển khai.

Chính phủ cũng bố trí 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại, cộng với số tiền ngân hàng thương mại huy động, tổng tất cả trên 66.000 tỷ đồng - một nguồn vốn rất lớn. Bên cạnh đó, Nghị quyết 84 khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dưới 20 triệu đồng/m2.

Theo ông Phấn: “Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chỉ đạo tập trung quan tâm đến các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp và phát triển, chăm lo nhà ở xã hội cho họ. Còn nhà ở cao cấp và trung cấp trở lên sẽ vận hành theo quy luật của thị trường”.

Những diễn biến đáng chú ý của thị trường bất động sản hậu Covid-19
Để có nhà giá rẻ, giá thấp, các cơ quan thực thi liên quan ở các địa phương cũng phải vào cuộc quyết liệt

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Hiện việc thực hiện những Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ còn chậm, chưa có tác động thực sự vào thị trường bất động sản. Tôi mong muốn những chính sách đã ban hành thì phải có giải pháp và đặc biệt là những cơ quan thực hiện những giải pháp đó phải vào cuộc ngay, đưa ra giải pháp cụ thể, nhanh chóng, giúp thị trường bất động sản hồi phục và hoạt động hiệu quả”.

Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, để có nhà giá rẻ, giá thấp, các cơ quan thực thi liên quan ở các địa phương cũng phải vào cuộc quyết liệt. Thực tế cho thấy, ở rất nhiều địa phương, các dự án nằm đắp chiếu, chờ đợi phê duyệt, thậm chí có hàng trăm dự án đã hoàn thành thủ tục nằm trên bàn của các cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý.

Thị trường đang suy giảm, vướng mắc nằm ở nguồn cung. Nguyên do của tình trạng này không chỉ từ pháp luật mà còn cần tinh thần quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Những diễn biến đáng chú ý của thị trường bất động sản hậu Covid-19
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

“Nhiều dự án đã xây xong móng, thậm chí một vài công trình đủ điều kiện để bán hàng theo đúng giấy phép nhưng vẫn chưa được cấp giấy theo quy định của pháp luật để bán hàng và tôi không hiểu lý do là gì? Nhiều dự án thời gian thực hiện kéo dài, ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ. Sau đó, phải điều chỉnh lại và tổng vốn đầu tư dự án bị đội lên bởi những chi phí không mong muốn. Vậy giải pháp nào để dự án thực hiện nhanh chóng? Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương có liên quan cần quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta rất mong muốn tìm nhà ở giá rẻ nhưng nếu thiếu sự quyết tâm của cả hệ thống thì nhà ở giá rẻ chỉ dừng lại ở “hô khẩu hiệu”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Đính cũng nhấn mạnh thêm, trong giai đoạn này, sản phẩm đang hướng đến là nhà ở giá rẻ nhưng cũng cần quan tâm đến sản phẩm nhà ở cao cấp, tạo ra bộ mặt chất lượng cho các đô thị, thu hút khách nước ngoài, nhưng nhiều địa phương không hướng đến phân khúc này khiến người khách nước ngoài có nhu cầu lớn nhưng thiếu nguồn cung.

Bất động sản công nghiệp có dễ dàng nắm bắt cơ hội

Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn được nhìn nhận là điểm sáng của thị trường trong và hậu Covid-19. Ở góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Vân Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Thị trường JLL cho hay, xu hướng dịch chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc đã có cách đây vài năm.

Do vị trí chiến lược gần Trung Quốc nên Việt Nam có cơ hội đón làn sóng dịch chuyển này. Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã là điểm đến trong nhiều điểm đến khác. Nhưng khi Covid-19 diễn ra và đỉnh điểm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ngoài Việt Nam còn có nhiều nước khác như Ấn Độ đang có lợi thế về dân số đông, diện tích lớn.

Bà Vân Nguyễn đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy, nguồn cung ở Việt Nam lớn tuy nhiên đất sạch thì chưa có nhiều, giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Việc lựa chọn và cấp giấy phép đầu tư cũng cần có sự lựa chọn để tránh tình trạng Việt Nam trở thành nơi chuyển dịch của các nhà máy, nhà sản xuất không sạch”.

Những diễn biến đáng chú ý của thị trường bất động sản hậu Covid-19

Cũng liên quan đến phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho hay: “Để đón các nhà đầu tư, bên cạnh việc xây dựng các khu công nghiệp thì việc phát triển hệ thống logistic cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ là điều cần quan tâm. Các doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc mong muốn đến nước nào đã sẵn sàng đón nhận họ.

Các doanh nhân Trung Quốc là những người rất nhanh nhạy. Trước làn sóng dịch chuyển này, họ đã sang Việt Nam và M&A sẵn các khu công nghiệp. Nếu chúng ta không nhanh chóng, sẵn sàng thì các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vào với tâm thế “Tôi lại ở đây và sẵn sàng đón các anh!”. Sự dịch chuyển này chính là cơ hội. Việt Nam cần nhanh, linh hoạt để sẵn sàng đón nhận những cơ hội này”.

Theo ông Hưng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế, việc khủng hoảng này sẽ dẫn đến việc người dân tìm đến các kênh đầu tư: Vàng là kênh có tính thanh khoản cao; bất động sản (có tính thanh khoản thấp); chứng khoán là kênh đầu tư ít được lựa chọn hơn.

Giới chuyên gia cũng cho biết với tâm lý “tiền mặt là vua”, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư ưu tiên giữ nguồn vốn, tập trung đầu tư vào các thị trường họ am hiểu. Nhóm các nhà đầu tư mới có chiến lược bảo thủ hơn, tâm lý phòng thủ rủi ro, các khoản đầu tư lớn bị tạm dừng; lối sống, phương thức làm việc thay đổi và dịch chuyển chuỗi sản xuất.

Xu thế số hóa, minh bạch hóa thị trường bất động sản là tất yếu, do đó các doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại