menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Ra lệnh tấn công tướng đặc nhiệm Iran, Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý?

Chính phủ Tổng thống Donald Trump biện minh cho vụ không kích làm thiệt mạng vị tướng hàng đầu của Iran là “hành động tự vệ” và cố khỏa lấp các cáo buộc cho rằng Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế.

Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, thiếu tướng Qassem Soleimani (62 tuổi) thiệt mạng sau khi quân đội Mỹ điều máy bay không người lái MQ-9 Reaper nã tên lửa vào đoàn xe chở ông ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq ngày 3.1. Tổng thống Trump ra lệnh tiến hành cuộc không kích, khiến căng thẳng leo thang và Iran tuyên bố sẽ trả đũa, theo Reuters.

Giữa lúc các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc không kích, giới chuyên gia pháp lý đã đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có thẩm quyền pháp lý để tấn công ông Soleimani trên lãnh thổ Iraq mà không có sự cho phép của chính phủ Iraq hay không, và động thái này có tuân thủ luật pháp quốc tế và Mỹ hay không.

Iraq không cho phép

Thủ tướng Iraq, Adel Abdul Mahdi ngày 3.1 cáo buộc Washington xâm phạm chủ quyền, vi phạm thỏa thuận giữa hai bên nhằm cho phép lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở Iraq. Một số phe phái chính trị ở nước này đã đoàn kết, kêu gọi trục xuất lính Mỹ.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác. Tuy nhiên, Hiến chương LHQ cũng đưa ra một ngoại lệ là khi một quốc gia đồng ý, cho phép nước khác sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của mình. Các chuyên gia pháp lý đánh giá việc Mỹ không có sự đồng ý từ Iraq cho thấy Mỹ khó có thể biện minh cho hành động giết người.

Trên Twitter, bà Oona Hathaway, chuyên gia luật quốc tế thuộc Đại học Yale, nhận định sự thật dường như không ủng hộ cho lời biện minh của Mỹ rằng cuộc không kích là “hành động tự vệ, tuân thủ luật pháp trong nước lẫn quốc tế".

Trong thông báo, Lầu Năm Góc viện lý do giết chết thiếu tướng Soleimani là nhằm ngăn chặn "âm mưu tấn công của Iran trong tương lai". Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds trở thành mục tiêu tấn công vì ông Soleimani lên kế hoạch cho một cuộc tấn công "sắp xảy ra, nham hiểm" nhắm vào các nhà ngoại giao và lực lượng quân sự Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng còn khẳng định cuộc không kích là “nhằm ngăn chặn chiến tranh”.

Ra lệnh tấn công tướng đặc nhiệm Iran, Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý?
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong sự kiện ở thành phố Miami, bang Florida ngày 3.1 (Reuters)

Ông Robert Chesney, một chuyên gia về luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas (Mỹ), cho rằng Mỹ đang tìm cách viện dẫn điều khoản về tự vệ trong Hiến chương LHQ. "Cụ thể là chính phủ ông Trump cáo buộc thiếu tướng Iran âm mưu tấn công người Mỹ để có thẩm quyền đáp trả", ông Chesney nói.

Điều 51 trong Hiến chương LHQ bao gồm quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể chống lại cuộc tấn công vũ trang. Chính phủ Mỹ từng dẫn Điều 51 để lý giải cho việc can thiệp quân sự ở Syria chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) năm 2014.

Các lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở Iraq cũng nhằm mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Hiện vẫn còn khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ ở Iraq.

Thỏa thuận khung chiến lược Washington-Baghdad năm 2008 nhấn mạnh hợp tác quốc phòng chặt chẽ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với "chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq", nhưng cấm Mỹ sử dụng Iraq làm điểm phát động tấn công các quốc gia khác.

Ngăn chặn "âm mưu tấn công"?

"Vụ giết người có chủ đích của Mỹ có thể vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân quyền", theo đánh giá của bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các vấn đề xét xử tùy tiện, chiếu lệ và giết người mà không đưa ra tòa xét xử.

Ra lệnh tấn công tướng đặc nhiệm Iran, Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý?
Lầu Năm Góc tuyên bố tiêu diệt thiếu tướng Qasem Soleimani với cáo buộc ông âm mưu tấn công nhắm vào lợi ích và công dân Mỹ (Đồ họa Daily Mail)

Trên Twitter, bà Callamard bình luận: “Mỹ nhắm vào thiếu tướng Soleimani dường như là nhằm trả đũa các hành động trong quá khứ của ông hơn là phòng vệ dựa trên dự đoán về kế hoạch tấn công sắp xảy ra”.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ yêu cầu Tổng thống Trump phải cung cấp thông tin chi tiết về mối đe dọa mà ông cho rằng “sắp xảy ra”, xuất phát từ ông Soleimani.

"Tôi tin rằng có một mối đe dọa, nhưng nó sắp xảy ra như thế nào vẫn là câu hỏi tôi muốn có lời đáp rõ ràng", thượng nghị sĩ Mark Warner, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói với Reuters.

Các nhà phê bình khác đặt dấu hỏi về thẩm quyền ra lệnh tấn công giết người của ông Trump chiếu theo luật pháp Mỹ, cũng như về việc ông hành động mà không thông báo trước cho Quốc hội.

Quốc hội Mỹ bị qua mặt

Giới chuyên gia pháp lý đánh giá các đời tổng thống Mỹ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trước đây luôn cân nhắc thận trọng về việc tấn công phủ đầu.

Theo tờ The New York Times, khi còn tại nhiệm, Tổng thống George W. Bush và Barack Obama chưa bao giờ có hành động quân sự đặt ra nhiều nguy cơ như ông Trump.

Tờ báo này cho biết chính phủ ông Bush đã đưa ra quyết định không giết chết thiếu tướng Soleimani, còn ông Obama dường như không nỗ lực "săn đuổi" ông do lo ngại nguy cơ làm bùng phát chiến tranh khắp khu vực, chứ không chỉ với Iran.

Các tài liệu giải mật của quân đội Mỹ về Chiến tranh Iraq (2003-2011) cho thấy lực lượng quân sự Mỹ từng lên kế hoạch giết hoặc bắt sống thiếu tướng Soleimani khi ông đến thăm Iraq trong năm 2006. Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Mỹ sau đó đã hủy bỏ kế hoạch.

Ra lệnh tấn công tướng đặc nhiệm Iran, Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý?
Xe chở chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran tan tành sau khi hứng tên lửa của Mỹ ở khu vực sân bay quốc tế Baghdad, Iraq sáng 3.1.2020 (Văn phòng báo chí Thủ tướng Iraq)

Trong vụ giết chết thiếu tướng Soleimani, lập luận “tự vệ” của chính phủ Tổng thống Trump chỉ có thể dựa trên cơ sở dự đoán về kế hoạch tấn công "sắp xảy ra" chống lại người Mỹ. “Theo luật Mỹ thì trong tình huống tự vệ chính phủ có quyền hành động mà không cần phải thông báo trước cho quốc hội hoặc hành động theo ủy quyền của quốc hội trước khi sử dụng lực lượng quân sự”, chuyên gia Chesney nói.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ không lên tiếng bảo vệ ông Soleimani, vốn bị xem là “kẻ thù của Mỹ”, nhưng yêu cầu Tổng thống phải tham khảo ý kiến với quốc hội trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại