menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thị Liên

SPP phá sản, loạt ngân hàng ngồi trên 'đống lửa' với khoản nợ 700 tỷ

Với tổng cộng hơn 700 tỷ đồng vay nợ quá hạn, việc SPP phá sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một loạt các ngân hàng thương mại.

Ngày 26/11/2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX: SPP). Quyết định được đưa ra khi tòa án xét thấy có các căn cứ chứng minh công ty mất khả năng thanh toán. Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản là bà Phùng Thị Như Mai.

Đến ngày 26/3/2020, quyết định này mới được công bố trên website công ty và trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo đó, trong 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là Công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt. Trong đó, các chủ nợ phải nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp phải trả đi kèm với các tài liệu chứng minh. Hết thời hạn mà chủ nợ không gửi giấy đòi nợ thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.

Bao bì Nhựa Sài Gòn tiền thân là Công ty TNHH Bao Bì Nhựa Sài Gòn thành lập từ năm 2001, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bao bì và kinh doanh nguyên vật liệu. Sau khi chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần vào giữa năm 2007 thì đến tháng 9/2008, công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán HNX với mã cổ phiếu là SPP. Kể từ khi niêm yết lên sàn, SPP vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu liên tục và thu về lãi ròng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của SPP lại giảm sút mạnh trong năm 2019.

SPP phá sản, loạt ngân hàng ngồi trên 'đống lửa' với khoản nợ 700 tỷ
Kết quả kinh doanh của SPP giảm sút mạnh trong 9 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của SPP chỉ đạt 254,2 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty lỗ đến 2,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 12,7 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2019, tổng tài sản của SPP đạt 1.170 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho 478,6 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn 212 tỷ đồng. Nợ phải trả không biến động nhiều so với đầu năm, ở mức 891,6 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (715,4 tỷ đồng).

Theo thuyết minh BCTC, chủ nợ lớn nhất của SPP là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa với dư nợ hơn 399,5 tỷ đồng, ngoài ra còn có một loạt ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chi nhánh Sài Gòn với dư nợ gần 130 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Phú Nhuận 50 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) 35 tỷ đồng; PVCombank chi nhánh Sài Gòn 70 tỷ đồng và Ngân hàng Indovina chi nhánh Chợ Lớn 29,9 tỷ đồng.

Trong đó, khoản vay gần 400 tỷ với BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa có thời hạn vay 10 tháng, lãi suất 8,5%/năm. SPP vay nhằm mục đích tái cơ cấu các khoản vay ngắn hạn, đồng thời bổ sung vốn lưu động để thực hiện sản xuất kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là máy móc thiết bị, nguyên liệu, quyền sử dụng đất của công ty và quyền sử dụng đất của bên thứ 3.

Đối với khoản vay với NCB, tài sản đảm bảo là khoản tiền thu khách hàng vào tài khoản tương ứng với dư nợ vay và giá trị quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Tân Đô. Khoản vay này có lãi suất 6,25%/năm, thời hạn vay 9 tháng.

Còn các khoản vay đối với Ngân hàng Indovina, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM đều có mức lãi suất hơn 10%/năm và đều được đảm bảo bằng việc thế chấp hàng tồn kho luân chuyển cùng các khoản tiền thu khách hàng.

Trước đó, tại báo cáo giải trình về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán vào giữa năm 2019, SPP cho biết, để giải quyết khoản nợ vay quá hạn ngân hàng, SPP sẽ tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đề cập đến vấn đề đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group, Inc của Mỹ để thu hút vốn đầu tư, với phương án dự kiến bán 51% vốn và thu về khoảng 50 triệu USD. Đối với số tiền thu được công ty sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.

Dù vậy, với việc công bố phá sản, kế hoạch "giải cứu" của SPP xem như đã không thể thực hiện được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại