menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

Sự nghiệp kinh doanh của ông Trump: Nhiều lần phá sản và những vận may bất ngờ

Bao trùm sự nghiệp kinh doanh của ông Trump là những vụ phá sản, thua lỗ, nợ nần, nhưng sau mỗi lần tưởng như rơi vào bế tắc, vận may lớn lại xuất hiện.

Vào cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90, cái tên Donald Trump gây chú ý khắp nước Mỹ. Tên của ông xuất hiện bao trùm trang báo lá cải Page Six của tờ New York Post, cũng như các tòa nhà trên khắp Xa lộ Liên tiểu bang 95, từ thành phố Atlantic cho đến đường Central Park West của thành phố New York.

Thời điểm đó, chuỗi vụ phá sản liên quan tới hoạt động kinh doanh của ông Trump thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Đây có thể là gốc rễ cho báo cáo điều tra mới được công bố hôm 27/9 của tờ New York Times. Chứng từ thuế cho thấy ông Trump tiếp tục báo lỗ trong phần lớn thập kỷ qua, khiến cho số thuế thu nhập liên bang ông phải nộp trong cả năm 2016 và 2017 chỉ là 750 USD và 0 USD trong suốt nhiều năm về trước.

Câu chuyện kỳ lạ ở vùng Đông Bắc nước Mỹ về nhà phát triển bất động sản Donald Trump với mái tóc vàng tạo kiểu kỳ lạ gây chú ý trên toàn quốc, nhưng câu chuyện này rất giống với những gì diễn ra trên các tờ báo lá cải 3 thập kỷ trước. Đó là những khoản đầu tư hoành tráng và đầy tham vọng đổ bể và kết quả là ông Trump luôn chuyển sang những mục tiêu tham vọng hơn, như tranh cử tổng thống.

Theo Nick Lichtenberg, biên tập viên cấp cao của Business Insider, đó chính là con đường sự nghiệp của ông Trump với những vận may bất ngờ, những khoản đầu tư tồi tệ, những khoản nợ lớn và bất kể mọi chuyện ra sao, ông vẫn trở thành người nắm quyền lực.

KỶ LỤC PHÁ SẢN VỚI CANH BẠC Ở ATLANTIC

Vào cuối những năm thập niên 80, ông Trump có một kế hoạch đầy tham vọng, đó là mua lại các sòng bạc tại thành phố Atlantic, bang New Jersey. Những khoản đầu tư khổng lồ vào khu vực miền nam New Jersey giúp ông thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, báo chí và thậm chí cả văn hóa âm nhạc trong khu vực.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, từ năm 1991, ông Trump bắt đầu đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật phá sản Mỹ cho hàng loạt doanh nghiệp của mình, bao gồm nhiều sòng bạc tại thành phố Atlantic. Tính từ năm 1991 đến 2009, ông nộp đơn phá sản 6 công ty - con số mà ông thường lấy làm tự hào. "Tôi chơi đùa với luật phá sản. Điều đó thật tuyệt với tôi”, ông Trump nói với tờ Newsweek vào năm 2011.

Một mặt, việc ông Trump áp dụng quy trình phá sản cho những doanh nghiệp gặp khó khăn là điều hợp lý. Chương 11 được thiết kế nhằm giúp những công ty thua lỗ đạt được một thỏa thuận với chủ nợ để tiếp tục hoạt động.

Tôi chơi đùa với luật phá sản. Điều đó thật tuyệt với tôi. Donald Trump

Tuy nhiên, trong khi hầu hết doanh nhân sẽ dùng Chương 11 để vực dậy công ty, ông Trump lại không làm vậy. Theo nhà báo Nick Lichtenberg, câu chuyện ở thành phố Atlantic cho thấy ông sử dụng hệ thống pháp lý một cách khôn khéo để bỏ lại phía sau những khoản đầu tư thua lỗ và tiếp tục tiến lên.

Theo Business Insider và nhiều tờ báo khác như The Guardian, Atlantic đã trở thành "thành phố ma" sau khi ông Trump rút khỏi đây. Trong khi đó, vào thời hoàng kim, khi ông Trump rót tiền vào thành phố này, các sòng bạc của ông có tới 8.000 nhân viên, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu sòng bạc trong khu vực. Khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump khẳng định đã kiếm được khoảng lợi nhuận “đáng kể” tại thành phố Atlantic. Theo tờ Times, ông cũng từng có tuyên bố tương tự khi nói rằng các công ty của mình có lợi nhuận lớn dù chứng từ thuế cho thấy khoản lỗ tới 47,4 triệu USD chỉ trong một năm.

VẬN MAY ĐẦU TIÊN: THỪA HƯỞNG GIA SẢN KHỔNG LỒ

Trong quá trình tranh cử năm 2016, ông Trump nổi lên là một tỷ phú tự thân với tuyên bố có thể lãnh đạo nước Mỹ thành công như cách ông đã làm với đế chế kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, một điều tra của tờ Times vào năm 2018 cho thấy đa số các khoản đầu tư lớn của ông Trump vào thời hoàng kim thập niên 80-90 đến từ tài sản được thừa kế từ cha, Fred Trump - cũng là một nhà phát triển bất động sản ở khu vực New York.

Theo tờ báo này, từ khi mới tập đi, ông Trump đã được thừa hưởng 400 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát) từ đế chế bất động sản của cha. Cụ thể, khi 3 tuổi, ông đã “bỏ túi” 200.000 USD (theo giá USD năm 2018) mỗi năm và trở thành triệu phú năm 8 tuổi. Trong khi đó, ông Trump từ lâu luôn khẳng định mình đã gây dựng đế chế 10 tỷ USD bằng khoản vay 1 triệu USD từ cha và có trả lãi đầy đủ.

Theo báo cáo của tờ Times, vào năm 1990, ông Trump chi một số khoản lớn như mua lại khách sạn Plaza Hotel ở Manhattan với giá 407 triệu USD, một máy bay với giá 465 triệu USD và một du thuyền giá 29 triệu USD. Tuy nhiên, ông cũng có khối nợ khổng lồ lên tới 3,4 tỷ USD tính tới năm 1990, trong đó 832,5 triệu USD là nợ cá nhân. Đó là thời điểm trước khi vận may thứ hai ập đến với ông.

Năm 1997, ông Trump và các anh em được thừa kế phần còn lại trong đế chế bất động sản của cha. Đây được xem như một cú huých tài chính lớn đối với ông Trump sau loạt vụ phá sản ở Atlantic vào đầu những năm 1990. Theo tờ Times, trong các tài liệu thuế, gia đình Trump kê khai các tòa nhà của ông Fred Trump trị giá 41,4 triệu USD và trong thập kỷ tiếp đó, họ bán các bất động sản này với giá gấp 16 lần.

Dù ông Trump vẫn tiếp tục mua bán bất động sản, nhưng sau năm 1997, các thương vụ của ông chủ yếu được thực hiện qua Trump Organization. Golfweek năm 2015 từng đưa tin cho biết ông Trump đã mua 18 khu nghỉ dưỡng sân golf trên khắp thế giới. Sau một cuộc họp với Deutsche Bank vào năm 1998, ông Trump nhận được một khoản vay mới để tiếp tục cho các thương vụ đầu tư của mình.

VẬN MAY THỨ HAI VÀ BA: CHƯƠNG TRÌNH "THE APPRENTICE" VÀ CHIẾC GHẾ NHÀ TRẮNG

Bước sang thế kỷ 21, việc ông Trump xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Người tập sự) được xem là vận may thứ hai đối với ông khi mang về cho trùm bất động sản này 197,3 triệu USD từ năm 2000 đến 2018, theo tờ Times. Con số này còn lớn hơn nếu tính cả các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng cấp phép sử dụng hình ảnh của ông.

Trong khoảng từ năm 2004 đến 2009, ông Trump tiếp tục làm thủ tục bảo hộ phá sản hai lần, nhưng phần lớn thông tin về rắc rối liên quan tới các tài sản của ông đều ẩn sau bức tường Trump Organization. Trong khi đó, Deutsche Bank trở thành chủ nợ lớn nhất khi cho ông vay tới 2 tỷ USD trong hai thập kỷ tiếp đó, theo Times. Trong giai đoạn này, ông Trump vấp phải nhiều vụ kiện pháp lý và có nguồn tin cho rằng ông dùng tiền từ quỹ từ thiện Trump Foundation để xử lý các vụ kiện này.

Trong một báo cáo phân tích, tờ Times cho biết vài năm gần đây, ông Trump chủ yếu đầu tư tiền cho các sân golf, nhưng các tài sản này đều lỗ hàng chục triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, thu nhập từ chương trình "The Apprentice" và các hợp đồng cấp phép sử dụng hình ảnh cũng không còn. Từ năm 2000, 15 sân golf tại Mỹ, Scotland và Ireland của ông Trump lỗ tổng cộng 315,6 triệu USD.

Tuy nhiên, phân tích tài liệu thuế của ông Trump, tờ Times phát hiện một nguồn thu nhập mới của ông Trump sau khi đắc cử tổng thống năm 2016 đến từ lượng khách tăng vọt tại các câu lạc bộ golf. Từ năm 2015, câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump tại Palm Beach, Florida, còn được mệnh danh là “Nhà Trắng mùa đông”, bỏ túi 5 triệu USD từ các thành viên đăng ký mới. Trong khi đó, năm 2017, Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham đã chi ít nhất 397.000 USD cho khách sạn của ông Trump tại Washington, DC.

Theo Times, dù ông Trump tuyên bố sẽ không theo đuổi các thương vụ mới ở nước ngoài khi giữ cương vị tổng thống, nguồn thu từ nước ngoài của ông trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ lên tới 73 triệu USD.

Nhìn chung, bao trùm sự nghiệp kinh doanh của ông Trump là những vụ phá sản, thua lỗ, nợ nần, nhưng sau mỗi lần tưởng như rơi vào bế tắc, vận may lớn lại xuất hiện. Với tình hình thua lỗ được chỉ ra qua tài liệu nộp thuế thu nhập của ông Trump theo báo cáo mới của New York Times, liệu ông có vượt qua với một vận may mới? Câu trả lời có thể nằm ở kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại