menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Thái Lan đối mặt với áp lực tăng giá đồng nội tệ

Để hạn chế đà tăng giá của đồng baht, vào đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cắt giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục và nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn. Ngoài ra, vào tháng 8, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn một gói kích cầu trị giá 10 tỷ USD.

Sức ép từ sự tăng giá đồng baht

Theo tin từ Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này chỉ đạt mức tăng 2,4% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 2,7% mà giới phân tích đưa ra. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã chạm đáy trong quý II - khi nền kinh tế tăng trưởng 2,3%, mức tăng yếu nhất trong gần 5 năm.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan giảm dự báo tăng trưởng GDP 2019 còn 2,6%, từ mức dự báo tăng 2,7-3,2% trước đó. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ tăng tốc lên mức 2,7-3,7% trong năm 2020.

Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 một phần xuất phát từ xu hướng tăng giá mạnh của đồng baht. Năm nay, đồng baht tăng giá mạnh hơn đồng tiền của bất kỳ thị trường mới nổi nào khác, với mức tăng từ đầu năm tới thời điểm hiện tại đạt khoảng 9%.

Đồng baht mạnh đang tác động tiêu cực tới các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực như ô tô và đồ điện tử. Kim ngạch xuất khẩu của nước này trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Đồng baht mạnh cũng khiến cho việc du lịch Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã hạ dự báo về số lượt khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay từ 40,2 triệu lượt xuống còn khoảng 39 triệu-39,8 triệu lượt.

Để hạn chế đà tăng giá của đồng baht, vào đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cắt giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục và nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn. Ngoài ra, vào tháng 8, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn một gói kích cầu trị giá 10 tỷ USD.

Với việc thực hiện các biện pháp nới lỏng kiểm soát vốn, hiện giới hạn về việc gửi tiền ra nước ngoài đã bị gỡ bỏ đối với các cá nhân sắp ra nước ngoài hoặc có họ hàng ở nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư đơn lẻ được tự do đầu tư trực tiếp tới 200 nghìn USD/năm vào các chứng khoán nước ngoài mà không cần thông qua một tổ chức trung gian của Thái Lan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu với doanh thu thấp hơn 200 nghìn USD/vận đơn cũng được phép giữ số tiền thu được dưới dạng ngoại tệ trong thời gian không giới hạn. Việc dỡ bỏ yêu cầu phải chuyển đổi số tiền thu được sau khi bán hàng sang đồng baht dự kiến sẽ giúp giảm bớt áp lực tăng giá của đồng tiền này. Biện pháp này đã khiến Thái Lan khác biệt so với nhiều nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, vốn đang hạn chế dòng vốn chảy ra bên ngoài để giữ cho đồng bản tệ ổn định.

Các biện pháp nới lỏng tiền tệ này được đưa ra sau động thái khác vào tháng 7 nhằm đối phó với tình trạng đầu cơ đồng baht. BOT đã đưa ra mức giới hạn số dư tiền gửi và chứng khoán của một cá nhân nước ngoài ở mức 200 triệu baht /người, giảm so với mức 300 triệu baht trước đây.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã bày tỏ hoài nghi về khả năng các động thái này sẽ làm giảm áp lực tăng giá của đồng baht. Chuyên gia kinh tế cao cấp Kota Hirayama của Công ty Chứng khoán SMBC Nikko nhận định khả năng cao là đồng baht sẽ vẫn mạnh khi mà thặng dư tài khoản vãng lai của nước này vẫn rất lớn.

Thái Lan hiện có thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu và du lịch. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu từ du lịch đang chiếm tương ứng 50% và 20% trong tổng GDP. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện khoảng 220 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với của Philippines hoặc Indonesia.

Nguy cơ rơi vào danh sách "thao túng tiền tệ"

Trong khi đó, các biện pháp nới lỏng tiền tệ có nguy cơ dẫn tới những cáo buộc của Mỹ về việc thao túng tiền tệ tại thời điểm Washington đang theo dõi sát sao chính sách ngoại hối của các quốc gia Đông Nam Á khác. Nếu BOT hành động quyết liệt hơn để hạ nhiệt đồng baht, Thái Lan có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ với lý do thao túng tiền tệ.

Năm 2018, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ tăng lên 19 tỷ USD. Cho đến khoảng năm 2017, BOT vẫn can thiệp vào thị trường khi cần để kiềm chế đồng baht. Tuy nhiên, sự theo dõi sát sao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với những nước có biểu hiện thao túng tiền tệ đang khiến cho các hành động như vậy trở nên rủi ro hơn. Washington cũng đã bắt đầu tăng áp lực lên Bangkok.

Tháng trước, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan sẽ bị loại khỏi danh sách ưu đãi thuế từ tháng 4 năm tới, với lý do Bangkok thất bại trong việc đảm bảo đủ quyền của người lao động. Tuy nhiên, một số người cho rằng động thái này nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại