menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Thêm quyết sách giải quyết vướng mắc tại các dự án BOT giao thông

Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình số 10189/TTr-BGTVT gửi Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Bộ Giao thông vận tải đã có hai tờ trình báo cáo Chính phủ về vấn đề này, điều này cho thấy tính chất cấp bách, có tác động lớn tới không chỉ các nhà đầu tư BOT giao thông, mà còn tới nhiều ngân hàng từng tham gia tài trợ vốn.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Tờ trình số 10189/TTr-BGTVT đã được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tại 2 cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì trong các ngày 20/9 và 26/9/2022 nhằm rà soát dự thảo báo cáo về giải pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc tại 8 dự án BOT giao thông trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Các dự án BOT có bất cập được đề xuất xử lý là dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Kạn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn km75 - km100. Các dự án khác được Bộ Giao thông vận tải đề xuất xử lý là dự án hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn km0 - km6; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn km14 - km50+889; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km1738+148 - km1763+610; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1.

Cùng với đó là dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là các dự án này được thực hiện trên cơ sở quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ các quy định và đều đã được thanh tra, kiểm toán thực hiện, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an… khẳng định đủ cơ sở pháp lý của các trạm thu phí đảm bảo, việc đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là phù hợp (Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015).

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, các dự án BOT đề xuất trên đều thuộc vào các trường hợp như: Đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí; không thể thu phí do mất an ninh trật tự hay phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng.

Vì thế, nếu tiếp tục thu và áp dụng các biện pháp như tăng, kéo dài thời gian thu phí... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất Nhà nước mua lại 7 dự án BOT bởi nhiều lý do như chưa có giải pháp để giải quyết các bất cập, vượt thẩm quyền. Dù nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng chưa được thu phí, đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan nhà nước...

Theo một số chuyên gia giao thông, việc dùng ngân sách nhà nước mua lại một số dự án BOT có thể coi là trách nhiệm, chia sẻ rủi ro của Nhà nước với doanh nghiệp. Thực tế, cần có cơ sở pháp lý để thực hiện, bởi việc mua lại đồng nghĩa với việc chuyển từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sang đầu tư công.

Cũng theo các chuyên gia giao thông, thời gian qua nhiều vướng mắc tại các dự án BOT giao thông đã gây hệ lụy không tốt tới các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Đây có thể là lý do mà vài năm trở lại đây rất ít các dự án PPP (hợp tác công tư) được triển khai. Do đó, việc xử lý các vướng mắc, bất cập của các dự án BOT là cần thiết đồng thời phải thấu đáo về cơ sở pháp lý.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất cần gỡ để có thể sớm giải cứu cho 8 dự án BOT chủ yếu liên quan đến thẩm quyền quyết định.

Theo quy định của hợp đồng ký kết với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, nên thẩm quyền chấm dứt hợp đồng thuộc Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cần phải bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, vượt thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Được biết, sơ bộ kinh phí nhà nước cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập tại 8 dự án BOT khoảng 13.115 tỷ đồng. Cục thể số tiền để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 7 dự án (khoảng 10.835 tỷ đồng) và bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) hỗ trợ Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại