menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Diệp

Thời điểm vàng vực dậy nền kinh tế

Việt Nam vừa tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế. Thậm chí, “thời điểm vàng” ở đây không chỉ có ý nghĩa là “cơ hội”, mà còn là “yêu cầu cấp thiết” của nền kinh tế. Bỏ lỡ cơ hội này, kinh tế Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn để phục hồi sau Covid-19.

Để chống dịch, chúng ta đã chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế trong ngắn hạn và hệ lụy đã nhìn thấy rất rõ. Bốn tháng đầu năm, đặc biệt là trong tháng 4/2020, kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, thậm chí một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, như thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải…

Có rất nhiều con số để chứng minh điều này. Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng, nếu tính cả yếu tố giá cả, giảm tới 9,6% so với cùng kỳ. Nếu chỉ tính con số này của tháng 4/2020, tháng mà chúng ta thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, thì mức giảm lên tới 26% so với cùng kỳ.

Sức mua lao dốc. Nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh 13,2%, trong khisố lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn lại tăng tới 33,6%...

Không chỉ vậy, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm tới 9,6%. Sản xuất nông nghiệp gặp khó. Xuất nhập khẩu cũng trong tình trạng tương tự…

Thực tế này cho thấy, nếu không nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, hệ lụy là khôn lường. Rõ thấy nhất là số lượng người lao động thất nghiệp gia tăng, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến an sinh, đến ổn định xã hội. Không vực dậy nhanh nền kinh tế, để năm nay tăng trưởng quá thấp, sẽ ảnh hưởng cho cả giai đoạn phát triển sau này. Đó là đòi hỏi cấp thiết.

Còn là cơ hội, khi mà Việt Nam cơ bản đã ngăn chặn được Covid -19, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang phải vật lộn chống dịch. Tuy không được chủ quan, lơ là, nhưng đây là điều kiện căn bản để chúng ta tính đến và thực hiện các biện pháp để phục hồi nền kinh tế.

Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020 ngày hôm qua (5/5) cũng đã nhấn mạnh rằng, phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nói, phải làm sao đạt được mục tiêu kép, làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết, không thể và không được để tăng trưởng quá thấp.

Dẫn lại dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, theo đó đạt khoảng 2,7%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng cũng đã nêu rõ, chúng ta phải “đạt cao hơn mức này”. Có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất. Không thể để tăng trưởng thấp quá và cũng không được để lạm phát quá 4%, bởi lạm phát cao thì dù có tăng trưởng nhưng vẫn “mất hết ý nghĩa”.

Nhưng dẫu biết, Việt Nam đang ở “thời điểm vàng” để phục hồi nền kinh tế, thì mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Bởi lẽ, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Một khi các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, như Nhật Bản, như Singapore, như châu Âu chưa thể phục hồi, thì kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng.

Dù Việt Nam đang ngăn chặn tốt dịch bệnh, dù chúng ta đã có thể bắt đầu các chương trình phục hồi kinh tế, thì vẫn còn phải chờ và “nương” theo thế giới. Trong khi đó, các dự báo chính thức của các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ ở mức -3% trong năm 2020. Thương mại toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm 2020. Dòng đầu tư cũng vậy.

Đây chính là những thách thức to lớn trong quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam. Vì thế, đây cũng chính là lúc, Việt Nam phải “tự cứu mình”. Trong khi thị trường thế giới chưa thể trở lại trạng thái bình thường, thì cứu cánh là thị trường trong nước. Sức mua đang sụt giảm mạnh, cần thiết phải có các biện pháp kích cầu, cần thiết có các biện pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hôm qua, Chính phủ cũng đã tiếp tục thảo luận về Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Cuối tuần này, theo kế hoạch, Chính phủ sẽ họp trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Kỳ vọng rằng, sẽ có nhiều quyết sách mới được ban hành, giúp Việt Nam không bỏ lỡ thời điểm vàng để phục hồi kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại