menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Tin thế giới 31/3: Italy trục xuất quan chức Nga; Tổng thống Putin rộng cửa tái tranh cử; Chiến dịch "phản công" của Trung Quốc bắt đầu?

Căng thẳng giữa Nga-Italy, Tổng thống Nga rộng đường tái tranh cử, tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông... là một số tin thế giới nổi bật.

Italy thẳng tay trục xuất 2 quan chức Nga, Moscow cảnh báo trả đũa

Ngày 31/3, Lực lượng Cảnh binh quốc gia Italy cho biết đã bắt giữ một quan chức quân đội Nga và một đại úy hải quân Italy vì tình nghi làm gián điệp, ngay sau khi viên chức Italy chuyển một tài liệu để đổi lấy một khoản tiền

Bộ Ngoại giao Italy sau đó đã triệu Đại sứ Nga tại Rome Sergey Razov về vấn đề này. Vào buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio cho biết, nước này quyết định trục xuất 2 quan chức Nga liên quan tới vụ việc trên.

Ông Maio nhấn mạnh, vụ hoạt động gián điệp của Nga là "vấn đề cực kỳ nghiêm trọng".

Hãng tin Interfax dẫn lời một nghị sỹ Nga cho biết, Moscow tuyên bố sẽ có hành động trả đũa với động thái của Italy

Trong khi đó, nhiều hãng thông tấn đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lấy làm tiếc về vụ Italy trục xuất quan chức Nga, song hy vọng vụ việc không làm tổn hại tới quan hệ song phương. (Reuters, AFP)

Thượng viện Nga thông qua dự luật cho phép ông Putin tiếp tục tranh cử tổng thống

Ngày 31/3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ bắt đầu vào năm 2024.

Dự luật trên đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua tuần trước. Dự kiến, Tổng thống Putin sẽ sớm ký ban hành văn kiện này thành luật.

Theo một trong những điều khoản sửa đổi của Hiến pháp Nga, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống được áp dụng cho nguyên thủ quốc gia đương nhiệm không liên quan đến số nhiệm kỳ trước đó của nhân vật này. Vì vậy, ông Putin đủ điều kiện đảm nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga. (THX)

Trung Quốc bắt đầu 'phản công' sau loạt chuyến công du của Mỹ ở châu Á?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gửi lời mời nhiều ngoại trưởng của các quốc gia ở khu vực Đông Á sang thăm. Đáng chú ý, động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu Mỹ thực hiện chuyến công du tới các đồng minh ở Đông Bắc Á.

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc có đang bắt đầu "phản công" Mỹ ở Đông Á?

Ngoại trưởng sắp sửa thăm Trung Quốc, Malaysia ra tuyên bố

Ngày 30/3, Trung Quốc thông báo Ngoại trưởng các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ công du Trung Quốc từ ngày 31/3-2/4 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị.

Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Malaysia ra tuyên bố cho biết, Ngoại trưởng nước này Hishammuddin Husseinn sẽ đồng chủ trì cuộc họp song phương giữa phái đoàn Malaysia và Trung Quốc với Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm.

Hai bên sẽ thảo luận về những sáng kiến nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, tập trung vào chương trình nghị sự sau đại dịch như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại giữa hai nước và tăng cường hợp tác về vaccine Covid-19.

Malaysia và Trung Quốc đã phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và nhiều mặt. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng để cho phép nhân đôi các hoạt động song phương và kết nối.

Tuyên bố nêu rõ, hai bộ trưởng sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đánh giá về Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23, bên cạnh đó xem xét lại bản chất của Năm hợp tác phát triển bền vững ASEAN-Trung Quốc, tăng cường quan hệ đối tác trong nền kinh tế Xanh, cũng như cân nhắc về tình hình an ninh phổ biến trong khu vực. (Bernama)

Ngoại trưởng Hàn Quốc chuẩn bị thăm Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 31/3 cho biết, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ sang thăm Trung Quốc vào ngày 3/4 và dự kiến gặp ông Vương Nghị tại thành phố Hạ Môn, miền Đông Nam Trung Quốc.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Cuộc hội đàm sẽ là cơ hội để hai nước tìm hiểu các phương thức phát triển quan hệ song phương, đồng thời trao đổi sâu sắc về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực và quốc tế".

Chương trình hội đàm dự kiến bao gồm việc hợp tác ngăn chặn leo thang căng thẳng do Triều Tiên có thể có hành động quân sự mới, trao đổi đoàn cấp cao trong tương lai và chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm tới. (Yonhap)

Trung Quốc đưa vào hoạt động tuyến tàu hàng mới nối tỉnh Hồ Nam với ASEAN

Ngày 31/3, Tập đoàn Đường sắt Quảng Châu (Trung Quốc) đã đưa vào hoạt động một tuyến tàu hàng mới nối tỉnh Hồ Nam ở miền Trung nước này và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo đó, một đoàn tàu chở các sản phẩm công nghiệp như silicon dioxide và thanh cán nóng đã rời tỉnh Hồ Nam vào sáng cùng ngày. Đoàn tàu dự kiến sẽ qua Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc và đến Hà Nội sau 1 tuần.

Theo kế hoạch, sau 3 tháng chạy thử nghiệm, tuyến đường mới trên sẽ hoạt động hằng tuần, góp phần thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa Hồ Nam và các nước ASEAN. (THX)

Đài Loan mua tên lửa phòng không mới của Mỹ

Ngày 31/3, Không quân Đài Loan cho hay, lực lượng này đã quyết định mua tổ hợp tên lửa phòng không Patriot phiên bản nâng cấp (PAC-3 MSE) của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) và quá trình giao hàng sẽ bắt đầu vào năm 2025 và triển khai vào năm sau đó.

Lực lượng không quân không tiết lộ Đài Loan dự định mua bao nhiêu tên lửa, viện dẫn tính nhạy cảm của vấn đề.

Người phát ngôn của Lực lượng này nói rằng: "Các kế hoạch mua hàng này được thực hiện dựa trên mối đe dọa từ kẻ thù" và hòn đảo này sẽ tiếp tục "tăng cường năng lực quốc phòng". (Reuters)

Biển Đông: Philippines yêu cầu Trung Quốc rút tàu tại khu vực tranh chấp

Ngày 31/3, Philippines cho biết, hàng trăm tàu Trung Quốc được cho là do lực lượng dân quân điều khiển ở Biển Đông đã được triển khai tại một khu vực rộng lớn hơn, bất chấp yêu cầu rút hải đội ngay lập tức từ phía Manila.

Philippines đã mô tả sự hiện diện của các tàu tại Đá Ba Đầu này là "tràn ngập và đe dọa", trong khi Canada, Australia, Mỹ, Nhật Bản và những nước khác lên tiếng quan ngại về ý định của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phản đối.

Trong một tuyên bố, lực lượng đặc nhiệm của Philippines trên Biển Đông bày tỏ "quan ngại sâu sắc về sự hiện diện bất hợp pháp "tràn ngập" của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc".

Lực lượng này nói thêm: "Cả Philippines và cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận sự khẳng định của Trung Quốc về cái gọi là 'chủ quyền không thể tranh cãi' đối với gần như toàn bộ Biển Đông" đồng thời thúc giục rút các tàu ngay lập tức".

Tuy nhiên, Đại sứ quán của Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. (Reuters)

Biển Hoa Đông: Trung Quốc bày tỏ thất vọng về cách hành xử của Nhật Bản

Ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ "sự thất vọng và quan ngại sâu sắc" về hành vi của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông trong cuộc điện đàm gần đây với đối tác Nhật Bản.

Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản "chấm dứt mọi hành động khiêu khích" xung quanh quần đảo Senkaku không có người ở hiện do Tokyo quản lý, song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với phía Nhật Bản rằng, quần đảo này là "lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc".

Về phía mình, Nhật Bản khẳng định lập trường rằng không có vấn đề chủ quyền lãnh thổ nào phải bàn luận và cần giải quyết liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Kyodo)

Vấn đề Iran

Nga ủng hộ việc khôi phục JCPOA theo thể thức ban đầu

Ngày 31/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Moscow ủng hộ việc khôi phục Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) theo định dạng ban đầu vốn đã được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua.

Phát biểu tại Hội nghị Trung Đông của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đề xuất một lộ trình không chính thức, với viễn cảnh Iran và Mỹ đồng thời quay trở lại thực hiện nghĩa vụ của họ. Các đồng nghiệp Pháp giúp chúng tôi đề ra các bước, đặc biệt là bước đầu tiên, để khởi động tiến trình khôi phục hoàn toàn JCPOA". (Sputnik News)

Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt thêm 4 tháng để Iraq tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Iran

Ngày 31/3, một quan chức Iraq giấu tên cho biết, Mỹ đã cấp cho Iraq mức tối đa (4 tháng) gia hạn miễn trừ trừng phạt, nhằm cho phép nước này tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Iran trước thềm các cuộc hội đàm trực tuyến giữa Washington và Baghdad, dự kiến vào ngày 7/4. (AFP)

Lãnh đạo Đức-Pháp-Nga hội đàm, Moscow đổ tội cho Kiev về tình hình Donbass

Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành một hội nghị trực tuyến 3 bên trong ngày 30/3 để thảo luận về hợp tác và các vấn đề quốc tế.

Trong cuộc hội đàm, liên quan vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine kích động đối đầu vũ trang với lực lượng ly khai thân Nga và không tôn trọng các thỏa thuận trước đó liên quan khu vực miền Đông bị chiến tranh tàn phá.

“Phía Nga bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự leo thang đối đầu vũ trang đang bị Ukraine kích động dọc ranh giới tiếp xúc cũng như việc Kiev từ chối thực thi các thỏa thuận hồi tháng 7/2020... để củng cố chế độ ngừng bắn”, Điện Kremlin nhấn mạnh. (Reuters)

EU lục đục, kiện Ba Lan ra Tòa án châu Âu

Ngày 31/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, cơ quan này đang đưa Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu liên quan đến một cuộc cải cách mà EC cho rằng, "làm suy yếu" tính độc lập của cơ quan tư pháp Ba Lan.

Brussels đang yêu cầu tòa án đưa ra lệnh tạm thời đình chỉ luật Ba Lan 2019 cho đến khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: "Ủy ban châu Âu tin, luật vi phạm tính độc lập của cơ quan tư pháp ở Ba Lan và không phù hợp với luật pháp Liên minh châu Âu". (AFP)

Tổng thống Mỹ đề xuất kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD

Ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông sẽ đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo ra hàng triệu việc làm và giúp nước này "vượt mặt" Trung Quốc.

Giai đoạn đầu tiên của chương trình "Xây dựng trở lại tốt hơn" của Tổng thống Biden mà dự kiến ông sẽ tiết lộ trong một bài phát biểu ở Pittsburgh, sẽ trình bày chi tiết về khoản đầu tư khổng lồ trải dài trong 8 năm.

Chương trình này có kế hoạch đầu tư 620 tỷ USD vào phương tiện giao thông, trong đó có nâng cấp 20.000 dặm (32.000 km) đường giao thông và đường cao tốc, sửa chữa hàng nghìn cây cầu và tăng gấp đôi tài trợ liên bang cho giao thông công cộng.

Khoản đầu tư sẽ được thanh toán một phần bằng cách tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. (AFP)

Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản

Ngày 31/3, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã chỉ trích Nhật Bản về các tuyên bố chủ quyền mới nhất của nước này đối với quần đảo Dokdo ở cực Đông của Hàn Quốc (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima) và yêu cầu Tokyo rút lại các nỗ lực xuyên tạc lịch sử này.

Trên trang mạng xã hội Facebook, ông Chung viết: "Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế - ngay lập tức rút lại các âm mưu xuyên tạc lịch sử và tham gia cải thiện quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, cũng như việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác ở Đông Bắc Á...".

Ông Chung nhấn mạnh Dokdo'Takeshima là "lãnh thổ của Hàn Quốc dựa trên lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế không thể phủ nhận". (Yonhap)

Tình hình Myanmar: Sức khỏe của bà Aung San Suu Kyi vẫn đảm bảo

Một trong những luật sư của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ của Myanmar cho hay bà Aung San Suu Kyi dường như có sức khỏe tốt dù bị giam giữ nhiều tuần.

Liên quan tình hình Myanmar, công ty Giesecke và Devrient của Đức tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả việc giao hàng cho Công ty In An ninh thuộc sở hữu nhà nước của Myanmar và quyết định này "có hiệu lực ngay lập tức".

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các công ty quốc tế xem xét cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp tài trợ cho quân đội Myanmar. (AFP)

Tổng thống Belarus ký sắc lệnh trừng phạt trả đũa

Văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus cho biết, Tổng thống Alexander Lukashenko đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt trả đũa, theo đó cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ các quốc gia trước đó đã áp đặt trừng phạt Minsk.

Nguồn gốc SARS-CoV-2: WHO kêu gọi đào sâu giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm

Ngày 30/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 điều tra sâu hơn đối với giả thuyết xảy ra sự cố tại phòng thí nghiệm mà nhóm điều tra gần như đã loại trừ.

Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại rằng nhóm điều tra quốc tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu thô trong khi thực hiện nhiệm vụ. (WHO).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại