menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Tỉnh táo để tìm “cơ hội” trong… “rủi ro”

Sau một vài phiên chao đảo do bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV) và thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, TTCK Việt Nam đang bình ổn trở lại.

Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư (NĐT) vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm “cơ hội trong rủi ro”. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, chỉ số VN-Index đã hồi phục, tăng 12,63 điểm lên 938,54 điểm, thanh khoản có giảm nhưng đã có 264 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 83 mã giảm giá…

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau khi mở cửa thị trường trở lại sau kỳ nghỉ tết, dịch bệnh corona bùng nổ với diễn biến phức tạp, lan 31/31 tỉnh thành của Trung Quốc và lây nhanh sang 26 nước đã khiến cho TTCK toàn cầu lao dốc, nhất là các TTCK châu Á. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ và đã chịu những tác động nhất định.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phiên giao dịch đầu tiên của năm đã làm TTCK Việt Nam giảm gần 45 điểm. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng bị cộng dồn sau kỳ nghỉ tết dài ngừng giao dịch.

Tuy nhiên, trong phiên chiều ngày 3/2, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục tích cực, kết phiên chỉ số VN-Index chỉ còn giảm gần 8,5 điểm, tuy nhiên thanh khoản ở mức khá cao so với các phiên trước đó, đạt giá trị gần 5,8 nghìn tỷ đồng, sang phiên giao dịch tiếp theo, tình hình đã có vẻ ổn định trở lại, đà giảm điểm được cải thiện hơn khi phiên giao dịch ngày 4/2, VN-Index tăng nghẹ gần 1 điểm, sang phiên ngày 5/2, chỉ số VN-Index có giảm nhẹ nhưng thanh khoản vẫn duy trì mức hơn 5,6 nghìn tỷ đồng.

Đến phiên giao dịch sáng 6/2, chỉ số VN-Index đã tăng khá tốt với gần 8 điểm, đạt 933,41 điểm… TTCK trong nước đang có dấu hiệu ngày càng tích cực hơn, nhiều cổ phiếu bluechip đã nhận được sự quan tâm tích cực của dòng tiền.

Nhìn sang khối ngoại, thống kê tuần từ 20/01 - 31/01 cho thấy, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khá tích cực với giá trị khoảng 4 triệu USD. Đây là điểm rất tích cực so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, khi các thị trường này bị các NĐT rút mạnh tới 102 triệu USD, mức cao nhất trong 8 tháng qua.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN cho biết, sau thời điểm dịch nCoV bùng phát mạnh (từ ngày 20/1), NĐT nước ngoài đã thực hiện bán ròng rất mạnh lên đến 2.824,8 triệu USD tại các TTCK châu Á trong 2 tuần cuối tháng 1. Trong khi đó,cũng trong tuần từ 20/01 - 31/01/2020, trên TTCK Việt Nam, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng với giá trị ghi nhận khoảng trên 490 tỷ đồng. Còn trên thị trường trái phiếu chính phủ, tính trong cả tháng 1/2020, họ vẫn mua ròng khoảng 700 tỷ đồng…

“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng giao dịch của NĐT nước ngoài cũng mang tính thị trường và không thể hiện xu hướng bán ròng, đặc biệt không thể hiện dấu hiệu rút ròng trên TTCK Việt Nam”, ông Trần Văn Dũng cho hay.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác những tác động kinh tế mà dịch nCoV gây ra. Nhưng những tác động tiêu cực lên TTCK toàn cầu trong thời gian tới, sẽ phụ thuộc rất lớn vào những diễn biến lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Với TTCK Việt Nam, việc bùng phát của dịch cúm nCoV đã tạo ra hệ lụy khá lớn khiến thị trường giảm điểm sâu trong những phiên gần đây. Diễn biến của dịch nCoV lần này có nhiều điểm tương đồng với dịch SARS cách đây gần 17 năm. Nhưng lúc đó TTCK Việt Nam còn khá non trẻ vì vậy đại dịch SARS đã không có nhiều tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam đã phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế nên Việt Nam có xu hướng chịu những tác động và tổn thương từ dịch nCoV chủng mới lớn hơn so với dịch SARS 17 năm trước đó.

Tuy vậy, ở một góc nhìn tích cực hơn, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, những cải thiện trong chính sách và môi trường kinh doanh của Việt Nam cùng với sức mạnh nội tại của TTCK trong nước với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá lạc quan với 86,1% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2019 có lãi, cao hơn mức 84,1% của cùng kỳ năm 2018; độ minh bạch, quản trị công ty được cải thiện; ngày càng đa dạng sản phẩm phòng vệ rủi ro là các yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để có thái độ thận trọng, tránh phản ứng thái quá.

“Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện được định giá ở mức 15,07 lần, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường trong khu vực như Ấn Độ (24,57), Indonesia (19,88), Nhật Bản (18,92), Malaysia (18,28), Philippines (16,94), Thái Lan (18,94). Tôi cho rằng, đây là yếu tố hấp dẫn, có sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài đến TTCK Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại