menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Trông ACV, ngẫm “ông lớn” đường sắt

Sau trường hợp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đề xuất mới đây về việc xem xét phương án chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ Giao thông - Vận tải chưa đầy 2 năm sau khi “ông lớn” này được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Được chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về UBQLV từ tháng 11/2018, Tổng công ty Đường sắt được coi là một trong những doanh nghiệp nhà nước khá đặc thù, vừa thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường sắt, vừa đảm nhận nhiệm vụ công ích thông qua việc được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Trên cơ sở được Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan chủ quản trước đây phân giao dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công ích, bao gồm các công tác bảo trì, sửa chữa, tuần đường, gác chắn… thông qua việc đặt hàng dịch vụ công ích với các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an toàn vận hành đường sắt và chạy tàu.

Tuy nhiên, từ sau khi chuyển giao quyền đại diện của sở hữu về UBQLV, Bộ Giao thông - Vận tải không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế phân bổ ngân sách do vướng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt vẫn đang phải thực hiện dịch vụ công ích mà không được ký kết hợp đồng, đặt ra rất nhiều rủi ro tiềm ẩn cho vận hành đường sắt và hoạt động chạy tàu thường xuyên.

Bản thân Tổng công ty Đường sắt đang gặp nhiều khó khăn do không được giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước để thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; cơ chế giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa rõ ràng.

Doanh nghiệp không được tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt sử dụng vốn đầu tư công…

Về phần mình, UBQLV trên cương vị là cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Đường sắt cũng từng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông liên quan đến lĩnh vực này.

Đại diện UBQLV cho biết, theo quy định tại Luật Đường sắt, Bộ Giao thông - Vận tải được giao quản lý, tổ chức việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Trong khi đó, theo Nghị định 46/NĐ-CP, Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập đề án về quản lý sử dụng và khai thác tài sản trong trường hợp giao cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quản lý.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản trong trường hợp giao cho doanh nghiệp quản lý thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp được giao quản lý tài sản với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định.

“Tuy nhiên, hiện nay, đề án này vẫn chưa hoàn thành do đó chưa xác định rõ đối tượng được giao quản lý, dẫn đến các khó khăn trong việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”, đại diện UBQLV khi đó cho hay.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, những khó khăn của Tổng công ty Đường sắt cũng có những nét khá tương đồng với câu chuyện vướng mắc trong cơ chế quản lý, khai thác, vận hành và sửa chữa bảo dưỡng khu bay thuộc quản lý của ACV thời gian gần đây.

Điều này một lần nữa cho thấy những bất cập trong cơ chế quản lý, khai thác, vận hành và duy trì các cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông, vốn là các tài sản về danh nghĩa và trên quy định pháp luật là công sản nhưng đã giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành, khiến cả cơ quan chủ quản lẫn doanh nghiệp đều lúng túng.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tương tự ACV, vướng mắc ở đây chủ yếu là ở cơ chế phân bổ vốn đầu tư công nên cần gỡ đúng nút thắt thì mới giải quyết được vấn đề.

“Với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công phải theo kế hoạch hàng năm, phải có cơ quan chủ quan quản lý dự án đầu tư công này, trước là các bộ, nay chuyển giao về UBQLV, song lại chưa quy định rõ cơ quan chủ quản trong Luật Đầu tư công.

Mặt khác, vấn đề éo le ở chỗ Nghị định 131/2018 quy định UBQLV chỉ quản lý về chủ sở hữu vốn, đại diện chủ sở hữu vốn, còn các bộ, ngành vẫn quản ý nhà nước đối với tài sản, nên rất khó khăn trong bóc tách. Việc vướng mắc một loạt các thẩm quyền này cần phải có sự điều chỉnh trong luật để đảm bảo đồng bộ, giúp gỡ vướng cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng đặt ra không chỉ đơn thuần là sự bất cập thiếu đồng bộ trong các quy định về chức năng quản lý phân bổ vốn đầu tư công, mà đằng sau đó là câu hỏi để ngỏ liệu câu chuyện này có tiếp tục trở thành tiền lệ cho nhiều trường hợp tiếp theo?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại