menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hướng

Trong tâm dịch Corona, ngân hàng lên kế hoạch tổ chức đại hội từ tháng 3/2020

Nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với nhiều “điểm nóng” cần giải quyết và kỳ vọng dịch cúm do virus Corona chủng mới (nCoV) sẽ không ảnh hưởng tới công tác tổ chức đại hội,

Nhiều ngân hàng sớm chốt lịch họp cổ đông

Vào ngày 28/2 tới, Sacombank sẽ chốt sanh sách cổ đông để tiến hành họp Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2020.

Thời gian tổ chức dự kiến vào sáng ngày 24/4 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP.HCM.

Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank đạt 3.217 tỷ đồng, vượt 21,4% so với kế hoạch được ÐHCÐ thông qua; tổng tài sản đạt gần 453.600 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410.330 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng.

Trong đó, thu dịch vụ có đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập thuần năm 2019, chiếm tỷ trọng 23%, đạt 3.323 tỷ đồng (tăng 23,9% so với năm trước).

Bước vào năm 2020, nhìn nhận thị trường với nhiều cơ hội và khó khăn đan xen, Sacombank cho biết sẽ tập trung gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển quy mô và thị phần, cải thiện các chỉ số tài chính; quyết liệt xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên, đến nay, nhà băng này vẫn chưa công bố chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2020.

HÐQT Eximbank đã công bố dự thảo báo cáo ÐHCÐ thường niên 2020 thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay.

Theo đó, Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 127.345 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.

Ðược biết, Eximbank dự kiến tổ chức ÐHCÐ bất thường vào ngày 5/3/2020 nhằm bầu bổ sung một thành viên HÐQT vào nhiệm kỳ 2015-2020.

Sau đó, Ngân hàng sẽ tiến hành họp ÐHCÐ thường niên 2020 vào ngày 22/4/2020.

Cuộc họp được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại của Eximbank khi trong năm 2019, các lần tổ chức đại hội đều bất thành do không đạt được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông.

BIDV dự kiến tổ chức ÐHCÐ thường niên 2020 vào ngày 7/3/2020, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 17/2/2020.

Vietcombank thông báo tổ chức ÐHCÐ thường niên 2020 vào ngày 24/4/2020 để trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm trước, cũng như kế hoạch hoạt động của năm nay.

Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 18/3/2020.

Ðiểm nóng tăng vốn…

Theo kế hoạch tại ÐHCÐ thường niên 2020, Vietcombank sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ.

Về vấn đề này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức hồi đầu năm, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng đề nghị cơ quan quản lý sớm xem xét hồ sơ đề nghị tăng vốn của Ngân hàng để chấp thuận triển khai ngay sau khi Nghị định 91 chính thức được sửa đổi.

Mới đây, ngay sau Tết Canh Tý, Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho 2 ngân hàng Vietcombank và VietinBank.

Còn Agribank sẽ được phép dùng toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách năm 2020 để tăng vốn điều lệ.

Tại thời điểm cuối năm 2019, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có vốn nhà nước đang có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sát ngưỡng quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Tại VietinBank, ngân hàng này có CAR dưới 8% tính theo Thông tư 41/2016.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HÐQT VietinBank Lê Ðức Thọ hồi tháng 4/2019, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6-7% trong năm 20019 và dư nợ thực tế chỉ ở mức thấp.

Việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã trở thành vấn đề cấp bách từ lâu.

Thực tế, những năm gần đây, bản thân các ngân hàng này đều rất nỗ lực tìm cách tăng vốn, song với đặc thù của một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, việc tăng vốn phải trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Chẳng hạn, cuối năm 2019, BIDV hoàn tất thương vụ bán vốn kỷ lục, thu về hơn 860 triệu USD, song ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV kiến nghị Chính phủ xem xét cho Ngân hàng được tăng vốn bằng cổ phiếu.

Tương tự, Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành tiếp tục đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Agribank cũng đang gấp rút hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá, trong đó có kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Không chỉ các ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng lên kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay và Nam A Bank, VietA Bank đều đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mức tăng này.

Về cách thức thực hiện, các nhà băng đều tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn, với mức cổ tức dự kiến 20-30% nhờ kết quả kinh doanh 2019 khả quan.

Thực tế, nếu không tăng vốn để nâng cao thực lực tài chính, các nhà băng khó có thể đáp ứng được chuẩn Basel II, cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, để duy trì CAR theo Thông tư 41/2016, các ngân hàng phải liên tục nâng cao năng lực vốn, bởi yêu cầu về vốn sẽ liên tục mở rộng theo hoạt động cho vay nền kinh tế.

… Và duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao

Việc tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ sẽ tác động lên kết quả kinh doanh từ hoạt động cho vay truyền thống, song các nhà băng kỳ vọng nguồn thu ngoài lãi - dịch vụ sẽ đóng góp tích cực hơn vào lợi nhuận.

Theo Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, trong kết quả tổng lợi nhuận năm 2019 là 23.130 tỷ đồng, cao hơn 16% so với kế hoạch, đóng hoạt động tín dụng tiếp tục đóng góp chính yếu khi mang lại 735.446 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, riêng tín dụng bán lẻ tăng 32%.

Ðây là lý do để Vietcombank đặt kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15% trong năm 2020. Theo đó, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn từ nền kinh tế là 12%, tăng trưởng tín dụng là 14% (cụ thể phụ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao - PV), duy trì nợ xấu dưới 0,8%.

Ðến 2025, mục tiêu lợi nhuận dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp khoảng 1 tỷ USD.

Năm nay, VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 6- 8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 10% so với năm 2019 với việc đẩy mạnh tỷ trọng thu nhập từ hoạt động bán lẻ, cũng như nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với BIDV, ngân hàng này đặt mục lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng trong năm nay, tăng 17% so với năm trước; huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%; tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước khoảng 13%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...

Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, ACB dự kiến trình ÐHCÐ thông qua chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 ở mức 8.700 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 25%.

Eximbank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước dự phòng là 2.400 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 40% soi với năm 2019…

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho thấy, có 98% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng trưởng dương so với năm 2019, 2% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi.

Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,92% trong năm 2020, thấp hơn so với con số của năm 2019 là 20,13%.

Phân tích báo cáo tài chính của các ngân hàng có thể thấy, tín dụng vẫn là mảng kinh doanh có đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận.

Việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào tín dụng khiến lợi nhuận của các ngân hàng thiếu bền vững và tiềm ẩn rủi ro rủi ro nợ xấu nếu môi trường kinh doanh không được thuận lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch nCoV đang hoành hành hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại