menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Trung Quốc chuẩn bị đón cú sốc kinh tế tập 2

Trung Quốc đã khôi phục lại một phần chuỗi cung ứng sau hơn 2 tháng khó khăn, nhưng đúng lúc này dịch COVID-19 lại bùng phát trên toàn cầu, đe doạ nhu cầu hàng hoá và sức khoẻ kinh tế thế giới nói chung.

Mới cách đây vài tuần, các ông chủ của nhà máy ống công nghiệp Rifeng Enterprise Group (Trung Quốc) lo lắng đơn hàng trong nước sẽ biến mất sau hàng loạt biện pháp cách ly, phong toả quy mô lớn chống dịch COVID-19.

Giờ là gần cuối tháng 3, tình hình ở Trung Quốc đã cải thiện, các nhà máy đang chạy gần hết công suất nhưng một mối lo mới xuất hiện: Những gì xảy ra ở Trung Quốc đang tái hiện trên khắp thế giới.

"Chúng tôi đã khôi phục 100% công suất cho nhu cầu nước ngoài, nhưng buồn thay các thị trường đang đóng cửa hoặc sắp đóng. Các khách hàng ở Pháp, Ý, Mỹ... đã yêu cầu được hoãn chi trả hoặc huỷ đơn hàng. Chúng tôi đã gặp tình hình này hồi năm 2008-2009. Điều tương tự sắp xảy ra, tôi chắc chắn", ông Jason Cheng, giám đốc kinh doanh nước ngoài của Rifeng, trao đổi với báo South China Morning Post.

Những tháng khó khăn sắp tới

Sau 2 tháng mọi hoạt động kinh tế, sản xuất gần như đình trệ, nhiều người Trung Quốc đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với cú sốc kinh tế thứ hai từ đại dịch COVID-19.

Lần này không phải do thiếu nguyên liệu sản xuất, mà là nhu cầu hàng hoá sụt giảm mạnh cả trong và ngoài nước.

Khi các nước trên thế giới bế quan, toả cảng để ngăn dịch, mảng xuất khẩu vốn chiếm đến 20% GDP của Trung Quốc sẽ dính đòn. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của nước này đã giảm 17,2% trong tháng 1-2, và đây vẫn chưa phải là đáy.

"Trong bối cảnh số quốc gia có dịch bùng phát tăng nhanh, thị trường tài chính toàn cầu thì lao dốc, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể không thoát khỏi bất an, dẫn tới nhu cầu hàng hoá Trung Quốc trên toàn cầu giảm mạnh đúng vào lúc kinh tế nước này vừa khởi động lại", Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định trong một báo cáo công bố cuối tuần trước.

Lấy ví dụ nước Mỹ, tình hình dịch tại đây xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley thay đổi dự báo liên tục, từ khả năng kinh tế suy giảm -4% trong quý 2 chuyển sang kịch bản giảm -30,1%, tất cả chỉ trong một tuần lễ. Họ ước tính tỉ lệ thất nghiệp sẽ ở vào khoảng 12,8%, tiêu dùng giảm 31%.

Ông Stanley Szeto - giám đốc công ty dệt may cao cấp Lever Style, kẹt cứng một chỗ trong mấy tháng gần đây vì dịch bệnh. Từ trụ sở Hong Kong, ông chứng kiến cú sốc kinh tế biến đổi liên tục, gây tác động mạnh lên công việc kinh doanh.

Mô hình của Lever là đặt hàng các nhà máy ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác gia công quần áo cho các thương hiệu cao cấp Hugo Boss, Ted Baker, Fila, All Saints... nhưng lúc này người tiêu dùng phương Tây đang thắt chặt hầu bao, nhu cầu đơn hàng cũng bốc hơi theo.

"Chúng tôi hiện đang chạy 70, 80 và 90% công suất tuỳ vào nhà máy, nhưng vậy là quá nhiều vì nhu cầu đã giảm. Chúng tôi và nhiều khách hàng đều làm trong ngành thời trang, các cửa hiệu của họ phải đóng cửa hết", ông Szeto cho biết.

Các thương hiệu như Adidas, Nike, Lululemon Athletica và Under Armour đã thông báo đóng chuỗi cửa hàng trên khắp châu Âu và Mỹ, dù rằng buôn bán mới bắt đầu rục rịch lại ở Trung Quốc.

Nếu như sau Tết âm lịch dân kinh doanh sợ nguồn nguyên liệu bị đứt (do Trung Quốc phong toả), thì nay tình hình đã đảo ngược.

"Chỉ trong vài tuần gần đây mọi thứ thay đổi hết, họ nói nào là chúng tôi không cần hàng này nữa, chúng tôi có thể huỷ... Vậy nên dù nguồn cung ở Trung Quốc đã hồi phục, cung đang quá nhiều và cầu thì không đủ", ông Szeto giải thích.

Trung Quốc chuẩn bị đón cú sốc kinh tế tập 2
Tiêu dùng sụt giảm, người dân thắt chặt chi tiêu... là những phản ứng của thị trường trong dịch bệnh - Ảnh: AFP

Nguy cơ từ trong nước

Phần 2 câu chuyện là nhu cầu trong nước của Trung Quốc. Dự kiến thời gian tới nước này sẽ chứng kiến thêm một loạt vụ phá sản do dịch bệnh và nhiều tuần lễ kinh tế tê liệt.

Hãng tin Bloomberg cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có 100 công ty bất động sản ở Trung Quốc đệ đơn xin phá sản.

Đầu tuần trước, tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc được ghi nhận tăng từ 5,2 lên 6,2%, tương đương 5 triệu công việc biến mất. Thống kê này còn chưa bao gồm số dân di cư đang nghỉ làm do lệnh phong toả, và những người không có hợp đồng lao động chính thức.

Hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomic trụ sở tại Bắc Kinh ước tính virus corona tước đi thu nhập của dân nhập cư khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (115 tỉ USD), và nền kinh tế xem như mất số tiền này mãi mãi, đơn giản vì người lao động không thể nào lấy lại được 3 tháng đã mất dù họ có làm việc cật lực hơn.

Chuỗi tác động trên sẽ tạo ra các lỗ hổng mới trong tiêu dùng ở Trung Quốc, vào đúng thời điểm doanh số bán lẻ đã giảm kỷ lục 20,5% trong tháng 1-2.

"Tôi cho rằng nguồn cung có thể nhanh chóng khắc phục những hạn chế, nhưng rất khó để nhu cầu phục hồi lại. Nó thậm chí sẽ leo thang đến mức những người thu nhập không bị ảnh hưởng cũng sẽ tiết kiệm và hạn chế tiêu dùng", ông Michael Pettis, giáo sư tài chính của ĐH Bắc Kinh, nhận định.

Ý kiến của GS Pettis hoàn toàn có cơ sở. Theo thăm dò của hãng tài chính Rong360.com ở Bắc Kinh, 64,4% người dân cho biết sẽ "xiết thói quen tiêu xài" sau khi dịch bệnh kết thúc, 31,4% nói "không có kế hoạch tăng chi tiêu" khi khủng hoảng đã qua.

Kết hợp yếu tố này với các thách thức đến từ bên ngoài, hi vọng về khả năng Trung Quốc phục hồi nhảy vọt (theo biểu đồ chữ V) sau dịch COVID-19 mỗi lúc một xa vời.

Hầu hết các chuyên gia dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ teo lại trong quý 1-2020, lần đầu tiên kể từ cuối Cách mạng Văn hoá năm 1976. Và bên cạnh đó, viễn cảnh một trận suy thoái toàn cầu cũng đang ở đường chân trời khi tình hình dịch COVID-19 ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn.

"Bây giờ, đây là một nước Trung Quốc khác, một thế giới khác", bà Alicia Garcia Herrer, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Công ty Natixis, mô tả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại