menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phương Ly

Viện kiểm sát: 'Ngân hàng giải quyết thế này, còn ai yên tâm gửi tiền?'

Tại tòa, đại diện NCB, PVcombank, VietAbank muốn giữ các sổ tiết kiệm trăm tỷ của khách, tiền bồi thường phải do siêu lừa Hà Thành trả, song VKS nói với cách này "còn ai yên tâm gửi tiền?".

Ngày 20/3, TAND Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ 12 vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành ra tòa cùng 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, PVcombank và VietAbank và 8 người khác. 26 bị cáo bị truy tố ở ba nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

Trong bản luận tội công bố ngày 16/3, Hà Thành bị cơ quan công tố đề nghị tù chung thân, mức án cao nhất. Các cựu cán bộ ngân hàng từ 30 tháng tù treo đến 18 năm tù.

Hôm nay trong phần tranh tụng, VKS nêu quan điểm về xử lý dân sự, bồi thường thiệt hại và hướng giải quyết sổ tiết kiệm của các đại gia gửi tại ba ngân hàng này, bị "siêu lừa" Hà Thành dùng thủ đoạn gian dối để cầm cố, vay tiền ngân hàng. VKS xác định các ngân hàng là bị hại, thiệt hại của họ sẽ do Hà Thành bồi thường (249 tỷ đồng cho VietAbank, 47,5 tỷ đồng cho NCB và 49,4 tỷ đồng cho PVcombank). Ba ngân hàng phải trả tổng 109 tỷ đồng cho 4 bị hại, là chủ của các sổ tiết kiệm.

Ba ngân hàng đồng loạt phản đối quan điểm giải quyết này của VKS. VietAbank, PVcombank và NCB đều cho rằng, quan hệ giữa Thành và các đại gia là quan hệ vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao và các ngân hàng chỉ là "công cụ đảm bảo", "công cụ tài chính" để rút tiền vay từ những đại gia này. Các bước gửi tiền, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, theo đại diện PVcombank, đều là "giả tạo", phục vụ cho việc lừa đảo.

"Các sổ tiết kiệm cần được coi là vật chứng vụ án, công cụ phạm tội, đề nghị tuyên hủy tiết kiệm", đại diện PVcombank cho hay. Theo ý kiến của ngân hàng, Hà Thành sẽ phải trả tiền cho khách, còn tiền tại sổ tiết kiệm của khách thì đền bù cho ngân hàng.

"Không thể có chuyện các đại gia vừa được Hà Thành bồi thường, vừa được cầm sổ tiết kiệm về", vị đại diện ngân hàng trình bày.

Trước việc các bị cáo cho rằng một phần trách nhiệm trong vụ án thuộc về ngân hàng do quy trình không chặt chẽ, PVcombank phản đối với quan điểm: "Nếu họ làm đúng quy trình, không bao giờ xảy ra sai phạm".

Đại diện VietAbank cũng đánh giá thực chất các đại gia cho Thành vay lấy lãi cao, "VietAbank chỉ là nơi trung chuyển khoản tiền". Theo ngân hàng, các đại gia này không có ý định gửi ngân hàng để lấy lãi mà mục đích cho Hà Thành vay. Hà Thành sau đó lấy các sổ tiết kiệm này làm tài sản đảm bảo.

VietAbank cáo buộc, giữa các đại gia và Hà Thành có bàn bạc: "Nếu Thành không trả được tiền thì họ sẽ có cơ sở quay lại đòi ngân hàng. Đó là lý do Thành khăng khăng đòi lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu".

Ngân hàng này khẳng định không phải bị hại, không bị thiệt hại, do các khoản vay của Thành đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. "Các đồng sở hữu đồng ý cho Thành dùng tiết kiệm để Thành xào xáo, câu kết với các cán bộ VietAbank có chức năng phê duyệt cao nhất để vay tiền, đó là tiền của họ, không phải của chúng tôi".

Trong ba ngân hàng, duy nhất NCB không đề nghị giảm án cho các cựu cán bộ của mình với lý do "quan hệ vay mượn giữa khách hàng và Hà Thành không liên quan NCB". Vị đại diện đề nghị HĐXX tuyên án theo pháp luật.

VKS: Nhân viên làm sai, ngân hàng phải chịu trách nhiệm

Đối đáp trước quan điểm này, đại diện VKS khẳng định, không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng phân tích của ba ngân hàng là "suy luận thiếu logic".

Việc đánh đồng số tiền các đại gia gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau. "Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm", công tố viên đánh giá.

Về các khoản vay của Thành, theo các ngân hàng, đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm Hà Thành đồng sở hữu các đại gia. Song VKS cho hay, chủ sổ tiết kiệm đều không biết và không đồng ý cầm cố các sổ này. Vấn đề đã được thể hiển rõ qua lời khai của Thành và các kết luận giám định của cơ quan điều tra, cho thấy các chữ ký trên các hợp đồng cầm cố đều do Thành giả chữ ký đồng sở hữu. Vì thế, các sổ tiết kiệm này không thể coi là tài sản đảm bảo hợp pháp.

Theo VKS, việc VietAbank tự ý tất toán các sổ tiết kiệm này là không có căn cứ. Từ tháng 12/2019, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán các khoản tiền liên quan vụ án hình sự đang giải quyết, thụ lý.

"VietAbank tự ý tất toán là không tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra", kiểm sát viên khẳng định.

Viện kiểm sát: 'Ngân hàng giải quyết thế này, còn ai yên tâm gửi tiền?'
Các kiểm sát viên tại toà. Ảnh: Danh Lam

"Các ngân hàng cứ đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi sổ tiết kiệm, còn tự ý tất toán, rồi phong toả tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng rất nhiều năm. Sau phiên toà hôm nay, những người chứng kiến phiên toà và nghe được những lời biện luận của VietAbank, PVcombank và NCB, giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa?", công tố tiên đối đáp.

Theo bà, các ngân hàng còn có tư cách là các pháp nhân, nhân viên làm sai đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm. Khi tuyển dụng nhân sự, không nâng cao công tác đào tạo, dẫn đến làm sai là "lỗi rất lớn của các ngân hàng".

"Các ngân hàng phải bảo vệ quyền lợi cho mình. Song với người dân, khi gửi tiết kiệm, tài sản 500 triệu hay một tỷ đồng đã là rất lớn. Đây có những người lên đến 122 tỷ mà không lấy lại được, người ta cũng xót lắm chứ", VKS nêu quan điểm.

Chiều nay, phiên toà tiếp tục tranh luận.

Theo cáo buộc, Hà Thành do làm ăn thua lỗ đã vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, thành khách VIP của một số ngân hàng.

17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank "tiếp tay" Hà Thành lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, hứa trả lãi ngoài cao cho họ.

Thành sau đó giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng, gây thiệt hại 433 tỷ đồng cho 3 ngân hàng và 4 đại gia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
43 Yêu thích
17 Bình luận 47 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại