menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Anh Tuấn

Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc

Làn sóng rút vốn đầu tư nước ngoài đang khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại nó sẽ trở thành lực cản lớn cho sự hồi sinh của nền kinh tế nước này, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa các điểm sản xuất, xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Theo đó, Nhật Bản đã phân bổ 2 tỷ USD hỗ trợ các công ty Nhật Bản dời dây chuyền sản xuất của họ trở lại Nhật và 220 triệu USD hỗ trợ các công ty di dời sang các quốc gia khác, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Đề xuất của ông Shinzo Abe được đưa ra khi nhiều doanh nghiệp tại Mỹ cũng đang xem xét việc rút khỏi Trung Quốc. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho biết chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí di dời cho tất cả các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, bao gồm các chi phí và tổn thất về nhà máy, thiết bị, sở hữu trí tuệ…

Trước đó, ngay từ trong năm 2019, xu hướng rút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc đã bắt đầu manh nha, đặc biệt sau khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung có những diễn biến xấu đi. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại công nghiệp Đức trong năm ngoái đối với 526 công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc cho thấy 23% số doanh nghiệp được hỏi đã quyết định rút cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đang xem xét, trong đó 104 công ty (chiếm 1/3 số lượng khảo sát) trả lời đã lên kế hoạch rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Về phía Hàn Quốc, trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, các công ty khổng lồ của Hàn Quốc bao gồm Samsung Electronics, Hyundai Motor và Kia Motors cũng muốn chuyển toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp của họ ra khỏi nước này. Sau khi rút khỏi Trung Quốc, lựa chọn thay thế của các công ty này là mở rộng sản xuất ở các nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Tương tự như vậy, xu hướng rút vốn đầu tư cũng được ghi nhận đối với nhiều nhà sản xuất tại các quốc gia như Pháp, Anh, Úc… Mới đây nhất vào giữa tháng 3, một số công ty lớn của Pháp là Renault, Peugeot Citroen và Michelin đã đồng thời tuyên bố tạm ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Làn sóng rút vốn đầu tư nước ngoài đang khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại nó sẽ trở thành lực cản lớn cho sự hồi sinh của nền kinh tế nước này, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Hiện chính phủ Trung Quốc chưa công bố chính sách hay biện pháp lâu dài nào để đối phó với những tác động từ việc doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này. Theo đánh giá từ phía chính phủ Trung Quốc, mặc dù dịch bệnh có gây ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, song tình trạng ồ ạt rút vốn đầu tư nước ngoài chưa và sẽ không xảy ra ở nước này. Bằng chứng là tỷ lệ nối lại sản xuất sau dịch của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc vẫn tăng đều. Theo kết quả điều tra đối với hơn 8.700 doanh nghiệp nước ngoài trọng điểm đang hoạt động ở nước này, có gần 73% các doanh nghiệp này đã khôi phục sản xuất được trên 70%, trong đó có tới 98% doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực Hoa Nam của Trung Quốc đã sản xuất trở lại.

Riêng với làn sóng rút vốn của các doanh nghiệp Nhật và Mỹ, dư luận Trung Quốc cho rằng, những công ty đang xem xét việc rút vốn khỏi nước này chủ yếu là những doanh nghiệp xuất khẩu, các công ty hướng tới thị trường Trung Quốc khả năng cao không tính đến biện pháp này, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới.

Khẳng định lại quan điểm trên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - ông Nhậm Hồng Bân cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc trong quý I/2020, tuy nhiên về cơ bản đây là những tác động mang tính thời điểm. Xét về góc độ lâu dài, các ưu thế về thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc không thay đổi, chiến lược và niềm tin của nhiều công ty xuyên quốc gia đối với Trung Quốc cũng không thay đổi, Trung Quốc vẫn là mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư nước ngoài

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để ổn định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc phải khởi động toàn diện một kế hoạch để tạo dựng một hệ thống ngành phụ trợ cho riêng mình, bởi Trung Quốc là quốc gia có ngành chế tạo lớn nhất thế giới, có mối gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, việc vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này ảnh hưởng đến ngành chế tạo và doanh nghiêp Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Trước mắt, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thiết lập và kiện toàn cơ chế làm việc liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lên danh sách những dự án có vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp này giải quyết các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai dự án, tăng cường công tác hỗ trợ đảm bảo cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn được xúc tiến, nhằm giữ chân các nhà đầu tư quan trọng ở lại Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại