menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Bá Cường

Xăng 'sốt ruột' chờ giảm thuế

Thế nhưng, đà tăng vẫn chưa dừng ở đó, ở kỳ điều chỉnh tới sau 3 ngày nữa, giá xăng dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh.

Sau giai đoạn chật vật gồng lỗ, nhiều doanh nghiệp vận tải đã buộc phải điều chỉnh cước phí trước áp lực quá lớn của giá xăng dầu.

Xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít?

Ngày 7.3, giá dầu thế giới đã có thời điểm vọt lên mức trên 139 USD/thùng - mức cao nhất tính đến 2 giờ chiều hôm qua. Các dự báo cho thấy, “cơn say” của giá dầu sẽ không dừng lại trên mốc 130 USD/thùng, mà có thể phá vỡ mức đỉnh của 14 năm trước là 147 USD/thùng.

Trong khi đó, giá xăng dầu tại thị trường Singapore được Bộ Công thương cập nhật đến ngày 3.3 bao gồm giá xăng RON92 130,51 USD/thùng, xăng RON95 133,35 USD/thùng, dầu diesel 136,6 USD/thùng… Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1.3 vừa qua, giá bình quân xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 là 111,345 USD/thùng (tăng 3,083 USD/thùng so với kỳ điều chỉnh giá trước), xăng RON95 là 114,207 USD/thùng (tăng 3,559 USD/thùng so với kỳ điều chỉnh giá trước) và dầu diesel 112,658 USD/thùng (tăng gần 3 USD so kỳ trước).

Trước mức tăng như vũ bão của giá dầu thế giới thì tại phiên điều chỉnh giá xăng dầu trong nước kỳ tới (11.3), giá xăng dầu VN được dự báo sẽ thiết lập kỷ lục mới. Hiện xăng RON95 tiến sát mốc 27.000 đồng/lít, tăng khoảng 50% so với hơn năm trước. Một lãnh đạo đầu mối xăng dầu phía nam tính toán, theo giá nhập kỳ vừa rồi, xăng tại kỳ tới có thể tăng đến 1.500 đồng/lít. Để không bị tăng sốc, chắc chắn liên bộ phải xả quỹ, cho dù quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm.

“Nếu xả quỹ, giảm chi trích lập, giá xăng tại kỳ điều chỉnh ngày 11.3 sẽ tăng khoảng 500 đồng/lít. Diễn biến tình hình thế giới mấy ngày qua có cơ sở để dự báo, giá dầu sẽ tiến lên mốc 150 USD/thùng, nghĩa là vượt qua đỉnh năm 2008 là 147 USD/thùng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, giá một lít xăng trong nước chưa gánh thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng và chưa bị tình trạng thuế chồng thuế. Thế nên, nếu không điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường sớm, giá xăng trong tương lai sẽ lên đến 30.000 đồng/lít”, vị này phân tích và nhấn mạnh, nếu để giá nhiên liệu biến động lên đến 10% là bất thường, sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, nỗ lực phục hồi kinh tế của cả nước.

Doanh nghiệp lần lượt tăng giá cước

Xăng dầu tăng như vũ bão, doanh nghiệp (DN) và người dân đang ngóng các giải pháp để kìm cương mặt hàng thiết yếu đầu vào, có tác động đến hầu hết các ngành sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Tuần trước, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với giá xăng, mức đề xuất là giảm 1.000 đồng/lít. Thế nhưng, mức giảm này được đánh giá là quá khiêm tốn so với mức tăng của xăng dầu nói riêng và vật giá nói chung. “Mức thuế bảo vệ môi trường có thể giảm 3.000 đồng/lít cộng thêm cân đối xả quỹ bình ổn giá thì thị trường xăng dầu mới yên được. Mức giảm 1.000 đồng/lít khó giải quyết đà tăng giá sốc nhiên liệu trong thời gian tới. Mà đề xuất giảm thuế 1.000 đồng/lít cũng chưa thể áp dụng ngay kỳ tới vì vẫn còn chờ ý kiến, xét duyệt, thông qua…”, một lãnh đạo đầu mối xăng dầu phía nam cho biết.

Trong khi việc giảm thuế, kiểm soát giá xăng vẫn đang nhùng nhằng ở bước đề xuất thì trên thị trường, các DN vận tải đã “quá ngưỡng chịu đựng” và buộc phải điều chỉnh giá cước.

Grab là hãng xe công nghệ đầu tiên gửi thông báo tới các đối tác tài xế về việc bắt đầu tăng cước phí tất cả các dịch vụ từ 10.3. Hãng xe công nghệ này cho biết việc áp dụng mức cước phí mới nhằm thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng, giúp bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ khách hàng tốt hơn.

Dù vẫn chưa có kế hoạch tăng giá dịch vụ để thích ứng với giá nhiên liệu, song, động thái “cố thủ” của 1 số hãng xe khác như Gojek, Be… được đánh giá khó có thể kéo dài bởi áp lực từ phía tài xế quá lớn. Giá xăng liên tục lập đỉnh, trong khi nhu cầu di chuyển giảm mạnh khiến các tài xế công nghệ khốn đốn. Rất nhiều tài xế đã tắt app hoặc “lách” bằng cách sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng để kiếm thêm thu nhập.

Tương tự, các DN vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng đã bắt đầu “nhấp nhổm” tăng giá. Ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, thông tin đã có 26/138 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ghi nhận một số DN ở đầu địa phương các tỉnh kê khai tăng giá vé. Bình quân mức tăng khoảng 20%. Nguyên nhân, lượng khách mùa dịch rất vắng, tuy có khả quan so với lúc cao điểm dịch nhưng cũng chỉ đạt 30% so với bình thường trước dịch. Trong khi đó, chi phí duy trì đội xe cùng giá nhiên liệu tăng quá cao, DN vận tải hành khách cầm cự mãi chưa thể hồi phục. “Số lượng DN kê khai tăng giá hiện chưa nhiều nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi để ghi nhận mức giá mới, thông tin đến người dân”, ông Chín nói.

Theo ghi nhận, giá cước vận tải hàng hóa, các xe hợp đồng cũng đã bắt đầu có sự thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng để điều chỉnh tăng giá cước, bình quân khoảng từ 15 - 20%.

Grab tăng giá cước từ 10.3

Cụ thể, giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng, loại 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng. Mỗi ki lô mét tiếp theo của 2 dịch vụ này là 10.000 đồng, tăng thêm 500 đồng. Tại các tỉnh, TP khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi ki lô mét sau đó. Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi ki lô mét sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP.HCM cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2 km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi ki lô mét tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.

Lâm Đồng: Hàng chục cây xăng xin tạm ngừng hoạt động

Ngày 7.3, ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, cho biết trong khoảng 2 tuần nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 cây xăng xin tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân xin tạm ngừng bán hàng được các cây xăng này đưa ra phần lớn do thua lỗ, hàng hóa khó khăn, trụ bơm hư hỏng phải sửa chữa hoặc “làm đẹp” lại cửa hàng… Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở Công thương Lâm Đồng không chấp thuận cho các cây xăng này tạm ngừng buôn bán và đề nghị phải hoạt động kinh doanh bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo Sở Công thương Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 337 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của 220 DN; 2 DN đầu mối là Công ty xăng dầu Lâm Đồng và Công ty Dương Đông Tây Nguyên, 1 thương nhân phân phối là Công ty TNHH Phúc Sơn. Sản lượng tiêu thụ bình quân hằng năm trên địa bàn Lâm Đồng khoảng 300.000 m3, trong đó Công ty xăng dầu Lâm Đồng chiếm gần 50 % thị phần. “Đến thời điểm này, trên địa bàn không xảy ra tình trạng găm hàng, dù đôi lúc có thiếu cục bộ do cửa hàng xăng dầu chưa nhập xăng dầu kịp. Nguồn cung xăng dầu vẫn có đầy đủ để cung cấp, phục vụ nhu cầu người dân”, ông Thế nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại