menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Xây dựng sai phép, 43 hộ dân quận 12 có nguy cơ mất nhà

Gần 6 năm mua nhà ở theo hình thức vi bằng, 43 hộ dân (khoảng 200 người) tại phường Thạnh Xuân, quận 12 đứng trước nguy cơ mất nhà vì khu nhà ở là công trình vi phạm xây dựng.

Mới đây, trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí, nhiều hộ dân ngụ tại dự án KDC mới Thạnh Xuân (đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP. HCM) phản ánh, năm 2016, họ ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông Hải Sản Yến Nhi để mua nhà ở tại dự án. Do các căn nhà này không đủ diện tích tách sổ nên các hộ dân đều mua nhà theo hình thức vi bằng.

Năm 2017, dự án hoàn thành bàn giao nhà đưa dân vào ở và gần 200 người dân sống ổn định đến nay. Bất ngờ, ngày 18/3/2022, các hộ dân nhận được thông báo từ UBND quận 12 cho biết đây là công trình vi phạm do xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng tạm và buộc tháo dỡ phần vi phạm.

Chị M.P, một hộ dân đang sinh sống tại đây cho biết, lúc chị mua nhà vào thời điểm cuối năm 2016 thì 43 căn nhà thuộc dự án đang dần hoàn thiện nên không nghĩ đây là công trình xây trái phép. Lúc mua chủ đầu tư cũng đưa ra giấy phép xây dựng, sổ đất, bản vẽ thi công, pháp lý là sổ hồng chung cho 35 căn, sau khi hoàn công sẽ tách sổ riêng. Chị cũng nhiều lần hối thúc nhưng chủ đầu tư đều hứa hẹn, đến khi chuyển vô ở được 6 năm, chưa nhận được bất kỳ văn bản liên quan đến việc sai phạm nào, giờ chính quyền thông báo đây là công trình vi phạm xây dựng và buộc cưỡng chế khiến chị và nhiều hộ dân bất an, lo lắng nguy cơ mất trắng tài sản nơi an cư.

Được biết, dự án này được ông Hồ Tú, đại diện pháp lý Công ty TNHH Nông Hải Sản Yến Nhi mua lại đất của ông Lý Chí Minh, sau tự lập dự án, tự lên thiết kế bản vẽ xây dựng trên thửa đất. Tuy nhiên, trên giấy phép xây dựng vẫn là chủ đất cũ đứng tên.

Ngoài ra, Công ty TNHH Nông Hải Sản Yến Nhi còn thế chấp thửa đất trên cho ngân hàng từ tháng 7/2016. Phía ngân hàng cũng đang yêu cầu thanh toán nợ gốc và lãi và đã ra thông báo thu giữ tài sản để xử lý khoản nợ.

Chia sẻ với cơ quan báo chí, UBND quận 12 cho biết, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm hành chính và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, việc các hộ dân đề nghị xem xét cho tồn tại công trình vi phạm là không có cơ sở giải quyết. Ngoài ra, theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu 2 – phía Nam phường Thạnh Xuân, quận 12, một phần thửa đất tại 161/152 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 thuộc quy hoạch công viên cây xanh, một phần thuộc quy hoạch cây xanh cách lý ven rạch, một phần thuộc quy hoạch hành lang bảo vệ điện cao thế 6m, lộ giới đường dự phóng 30m.

Trước đó, trên địa bàn phường Thạnh Xuân, 16 hộ dân đang sinh sống tại hẻm 171 đường TX 52 cũng lâm vào tình cảnh bị cưỡng chế tháo dỡ phần xây trái phép. Còn phần đất, theo thông tin đã bị ngân hàng thông báo phát mại bởi chủ đất đã lấy giấy chứng nhận đi thế chấp và đã vi phạm hợp đồng vay. Nhiều hộ dân mua nhà tại đây cũng chỉ lập vi bằng việc giao nhận tiền giữa hai bên, theo hứa hẹn với chủ bán thì chờ vài tháng sẽ được tách từng sổ riêng.

Tương tự, tại đường TX 52, khu phố 4 cũng xảy ra tình trạng chủ đất xây dựng sai phép, phân ra nhiều căn để bán thông qua hình thức vi bằng hoặc giấy tay và bị chính quyền địa phương ra thông báo cưỡng chế tháo bỏ những phần công trình xây dựng sai phép.

Những trường hợp mua nhà qua hình thức vi bằng rồi mất trắng hay tổn hao tài sản như trên không hiếm gặp trên thị trường bất động sản thời gian qua.

Theo các chuyên gia, phần lớn các bất động sản được rao bán và giao dịch qua vi bằng đều được xây dựng trên một khu đất do một chủ đứng tên. Vì diện tích đất nhỏ hơn quy định được tách sổ, cho nên nhiều căn nhà sẽ phải đứng tên chung một sổ đỏ. Cũng vì không thể làm hợp đồng công chứng sang tên, đổi chủ theo quy định của pháp luật, cho nên chủ đất tìm cách "lách luật" bằng hình thức cùng ra văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về việc giao và nhận tiền.

Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partner cho biết, mua bán nhà đất qua vi bằng rất nhiều rủi ro, vi bằng của thừa phát lại không thay thế văn bản phải công chứng. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Các môi giới hay dùng “Công chứng vi bằng” để nhập nhằng làm cho khách hàng hiểu lầm rằng lập vi bằng cũng như thủ tục công chứng mua bán BĐS theo quy định.

Thông thường các nhà, đất bán qua tình trạng “công chứng vi bằng” thường không đảm bảo giấy tờ pháp lý nên rất rủi ro đối diện với các nguy cơ bị các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ. Với sự việc trên thì người dân có quyền khởi kiện bên bán, yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến việc không thực hiện đúng các thỏa thuận mua bán hoặc tố cáo đến cơ quan công an trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
9 Yêu thích
7 Bình luận 31 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại