menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Xuất khẩu năm 2019: Vượt khó thành công

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt gần 517 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước vượt mốc 500 tỷ USD.

Hợp lực tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu

Năm 2019 đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt tới 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,2%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Trong năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều chuỗi sản xuất hàng hoá được thiết lập tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, nếu như quy mô của chuỗi sản xuất mặt hàng lớn được đẩy lên, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, đạt được các kết quả ấn tượng này là nhờ các bộ, các cấp, các ngành đã đồng tâm hiệp lực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu. Các vấn đề thể chế liên quan đến công tác xuất nhập khẩu được tháo gỡ, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, như thiết lập cơ chế Một cửa ASEAN, thông quan điện tử hay cấp chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D điện tử; bảo đảm tín dụng cho các mặt hàng xuất khẩu… Nhiều tập đoàn, DN lớn trong nước tham gia xuất khẩu.

Đồng thời không thể bỏ qua vai trò của khối DN đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, như điện thoại và linh kiện chiếm 95%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 82,3%; giày dép chiếm 76,5%; hàng dệt may chiếm 58,9%... Nhiều nhóm hàng trong số này tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số. Đơn cử như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 20,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11,9%; giày dép tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,2%...

Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản lại chứng kiến sự sụt giảm do giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng đều giảm. Chẳng hạn, thủy sản giảm 2,4%; rau quả giảm 1,1%; hạt điều giảm 2,6% (lượng tăng 21,5%); cà phê giảm 21,2% (lượng giảm 13,9%); gạo giảm 9,9% (lượng tăng 2,5%); hạt tiêu giảm 4,9% (lượng tăng 23,4%)…

Thị trường là vấn đề quyết định

Hiện nay, nhiều ý kiến nhận định trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2020 phải tiếp tục đạt mức cao hơn. Hôm cuối năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD.

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra một số yêu cầu, trước hết là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Thủ tướng giao Bộ Công thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, chỉ tiêu này không đơn giản chút nào. Vì vậy năm 2020 là năm đòi hỏi nỗ lực lớn và tâm thế của cả hệ thông chính trị rất lớn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, năm 2020 là năm thách thức lớn trong việc tiếp tục bảo đảm thị trường cho sản xuất và đầu tư trong nước. Cả thị trường trong và ngoài nước đều mang lại cơ hội khi các FTA được ký kết và đang đợi phê chuẩn. Tuy nhiên, cùng với đó các nguy cơ thách thức cũng rất lớn đến từ hội nhập và cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Vì vậy, vấn đề không chỉ còn là khai thác, cắt giảm thuế quan, mà còn là tổ chức tái cơ cấu các ngành sản xuất với mức độ nhanh hơn, cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong năm 2020 thị trường là khâu rất quyết định đối với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng. Trong năm 2019 vừa qua, ngoại trừ thị trường Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu lớn 27,8%, thì các thị trường khác đều rất hạn chế, như EU giảm 0,7%; Trung Quốc chỉ tăng 0,2%; ASEAN tăng 1,9%... Đây đều là các thị trường mục tiêu của ngành nông nghiệp. Vì vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương lên kế hoạch xúc tiến đưa sản phẩm vào các thị trường này.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, cần tiếp tục chú trọng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó coi công nghệ là giải pháp quyết định, nếu không thì không thể khai thác tốt các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, trong sản xuất chuỗi khép kín từ khâu nuôi trồng đến thương mại, trong năm 2020 ngành nông nghiệp vẫn xác định khâu then chốt, đột phá là chế biến. Có chế biến tốt thì mới có thương mại tốt, bán được hàng. Vì vậy, ông Cường khuyến nghị từng ngành hàng phải coi khâu chế biến là đột phá để đầu tư xây dựng chuỗi liên kết, từ đó gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, các DN Việt Nam tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính.

“Phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị; giảm chi phí logistics, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập khẩu. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ – phát triển ngành du lịch, câu hỏi đặt ra là các Sở Du lịch phải xem khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mua sản phẩm gì”, Thủ tướng đặt vấn đề cho các bộ ngành, địa phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại