menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Xuất khẩu thủy sản theo chiều sâu

Có nhiều khó khăn khách quan dẫn đến xuất khẩu thủy sản trong năm 2019 không đạt được mục tiêu, nhưng nổi bật nhất là cá tra và tôm phải đối mặt với nhiều thách thức. Để phát huy được hết thế mạnh, tránh lãng phí, ngành thủy sản cần được khai thác theo chiều sâu.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt 6,25% so với năm 2018; tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.

Với kết quả này, ngành thủy sản không đạt kế hoạch XK 10,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm. Nguyên nhân được cho là do cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Mục tiêu khiêm tốn

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), dự báo tình hình XK sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi “thẻ vàng” EU chưa được tháo gỡ, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch XK 10 tỷ USD. Lãnh đạo Vasep cho rằng dù chỉ tăng nhẹ so với năm 2019 nhưng đây là một cố gắng lớn đối với ngành thủy sản.

Trong mục tiêu tổng kim ngạch XK 10 tỷ USD, thị trường EU đạt khoảng 2 tỷ USD (so với mức 1,5 tỷ USD năm 2019), Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng xấp xỉ 1 tỷ USD…

Tuy nhiên, dự báo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy XK thủy sản năm 2020 đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 9 tỷ USD, tăng 1,98% về lượng và 5% về giá trị so với năm 2019.

Trong đó, XK cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại, XK sang Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng trưởng khả quan. XK tôm tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá tôm khó tăng mạnh trở lại và phải cạnh tranh gay gắt với các nước XK khác như Ấn Độ, Ecuador...

Cơ sở để Cục Xuất nhập khẩu đưa ra những nhận định như vậy là do thống kê của cơ quan này cho thấy lượng XK thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2019 đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá nhiều mặt hàng thủy sản ở mức thấp nên giá trị XK vẫn giảm nhẹ.

Đơn cử như tôm nước lợ, từ đầu tháng 3 - 9/2019, giá tôm giảm do một số nguyên liệu cạnh tranh và sản lượng tồn kho từ năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Không chỉ tôm, năm 2019 cũng là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Theo đó, việc XK đi một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả rập - Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra... Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay sau 2 năm tăng trưởng liên tục.

Lấy đà tăng trưởng

Đánh giá về những cơ hội và thách thức của ngành thủy sản năm 2020, ông Dương Văn Cường – Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, cho biết kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại, ngành thủy sản có lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn, trong đó có việc mở lại thị trường Ả rập - Xê út, đưa cá tra đến với thế giới Ả rập.

Bên cạnh những lợi thế, lãnh đạo Vasep cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2020, ngành thủy sản cần được khai thác theo chiều sâu, tập trung củng cố lại chuỗi sản xuất, tạo ra các sản phẩm nuôi có chất lượng tốt nhất thông qua hoạt động quản lý chuỗi cung ứng hàng đầu vào cho hoạt động nuôi trồng…

Một số chuyên gia nhìn nhận xúc tiến thương mại hợp lý cho từng thị trường XK cũng là giải pháp quan trọng giúp ngành thủy sản từng bước đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020. Lấy ví dụ tại các thị trường XK là thành viên của CPTPP, cần tập trung vào 2 thị trường quan trọng là Mexico và Canada nhằm tận dụng mức tăng trưởng tốt từ năm 2019.

Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở rộng ra các thị trường khác trong khối ASEAN, Trung Đông để gia tăng cơ hội XK. Đặc biệt, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân gỡ “thẻ vàng” hải sản để lấy lại uy tín sản phẩm hải sản Việt Nam...

Theo đó, ngành thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nuôi lồng bè…

Ngoài ra, phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại